Vừa qua, ChatGPT trở thành một đề tài bàn luận sôi nổi trên khắp các mặt báo cũng như các trang mạng xã hội. Một vấn đề được nhiều người đặt ra ở đây là trong tương lai, liệu có hay không việc ChatGPT có thể thay thế con người để làm việc trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống, kể cả việc học tập và nghiên cứu của học sinh, sinh viên?
Chỉ nên tận dụng, chứ đừng lạm dụng
Trao đổi với Lao Động về nhu cầu sử dụng ChatGPT cho mục đích học tập của bản thân, Trần Nhật Linh (22 tuổi, sinh viên trường Đại học Picardie Jules Verne, Pháp) chia sẻ: “Hiện tại tôi chỉ sử dụng Internet để phục vụ cho nhu cầu học tập. Tôi nghĩ việc tận dụng ChatGPT để đáp ứng nhu cầu bản thân là không xấu, thực tế ứng dụng này cho mình rất nhiều lợi ích về mặt thời gian, đa dạng nguồn tài liệu. Nhưng, chúng ta chỉ nên tận dụng chứ đừng lạm dụng”.

Nhật Linh cũng nói thêm, tận dụng kho tàng kiến thức miễn phí qua AI giúp người học có nguồn kiến thức rộng lớn, không cần tốn quá nhiều chi phí để mua sách tham khảo hay thời gian tìm kiếm các bài giảng khác nhau. Tuy nhiên, người học cũng cần phải có một độ “vững" đối với chuyên ngành mà mình học để có thể nhận biết được thông tin nào đúng, thông tin nào sai.
Như vậy, có thể nói, ChatGPT hoàn toàn có thể trở thành một “người trợ lý" hoàn hảo trong việc thu thập và tổng hợp một lượng thông tin dữ liệu về đa dạng các lĩnh vực mà người dùng có nhu cầu tìm hiểu, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Bên cạnh đó, ChatGPT vẫn đang trong quá trình “tự học", một vài người dùng chia sẻ rằng đối với những câu hỏi liên quan đến chủ đề văn học, đời sống,... ChatGPT đôi khi cũng đưa ra những câu trả lời “ngô nghê"
ChatGPT - Vững cơ bản nhưng chưa hiệu quả ở mảng nâng cao
Ngoài ra, cũng có một số chia sẻ liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin rằng ChatGPT là một công cụ tuyệt vời, hỗ trợ đắc lực cho những ai mới gia nhập hay là tìm hiểu về lĩnh vực công nghệ. Bạn Quốc Khánh (23 tuổi, lập trình viên, Hà Nội) cho biết: “Đối với những kiến thức nhập môn hay là những thông tin căn bản nhất về code, thì ChatGPT cung cấp thông tin đúng và chính xác". Bên cạnh đó, “người trợ lý" này cũng giúp cho Khánh rất nhiều trong công việc, giúp xử lý những thao tác cơ bản để tiết kiệm được thời gian, “còn những tác vụ khó hơn, đòi hỏi nhiều kiến thức và kỹ năng hơn thì bản thân mình sẽ tự làm", Khánh nói.

Minh Anh (21 tuổi, sinh viên trường NHL Stenden, Leeuwarden, Hà Lan) đã có thời gian ngắn trải nghiệm với ứng dụng này, cho biết: “Tôi có thử hỏi mấy câu hỏi vui như hãy làm một bài thơ lục bát về chủ đề tình yêu để xem ChatGPT trả lời như thế nào thì nó cho ra câu trả lời khiến mình cảm thấy rất hài hước. Ứng dụng này vẫn chưa biết cảnh làm thơ lục bát và mình còn phải ‘dạy’ ngược lại nó".

Sau một thời gian sử dụng ChatGPT, nhiều người có nhận định chung là phần mềm này chưa thực sự làm tốt trong những vấn đề đòi hỏi phải sử dụng nhiều “chất xám" hay như việc làm văn, làm thơ - đòi hỏi phải có cảm xúc, phải biết “gieo vần nhả chữ" thì ChatGPT vẫn chưa làm được.
Người dùng nên học cách tận dụng tối đa “sức mạnh" mà ChatGPT mang lại để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu cũng như trong công việc để tiết kiệm thời gian, không nên trông cậy quá vào người trợ lý ảo này vì nhiều thông tin mà nó mang lại vẫn chưa thực sự chính xác.

2 tháng là thời gian để ChatGPT - một gã khổng lồ mới nổi về trí tuệ nhân tạo đến từ công ty công nghệ OpenAI sở hữu lượng người dùng đạt tới con số 100 triệu, điều mà Instagram phải mất 1 năm mới có thể chạm tới. ChatGPT được dự đoán sẽ là một đối thủ đáng gờm của Google trong tương lai.