Biến động nhân sự cao cấp ngành ngân hàng

Gia Miêu |

Sự thay đổi vị trí nhân sự cấp cao tại các ngân hàng chưa bao giờ nóng và nhận được sự quan tâm nhiều từ thị trường như hiện nay. Đặc biệt là sau khi Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ 15/1/2018 yêu cầu chủ tịch, thành viên HĐQT, tổng giám đốc của tổ chức tín dụng không được kiêm nhiệm chức vụ tương tự ở doanh nghiệp khác. Quy định này khiến cho hàng loạt các lãnh đạo ngân hàng buộc phải lựa chọn, hoặc là đứng ở ngân hàng, hoặc chuyển qua doanh nghiệp. Năm 2018 dự kiến làn sóng thay đổi nhân sự cấp cao sẽ còn tiếp diễn và thậm chí còn mạnh mẽ hơn các năm trước.

Ồ ạt thay đổi

Mở màn cho làn sóng thay đổi lãnh đạo cấp cao ngân hàng là ABBank. Ngày 12.1.2018, ngân hàng này thông báo ông Cù Anh Tuấn thôi chức Tổng giám đốc vì lý do cá nhân sau gần 2 năm điều hành ngân hàng. Ông Nguyễn Mạnh Quân - Phó tổng giám đốc được giao nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc. Ông Cù Anh Tuấn là người cũ của Techcombank, được bổ nhiệm là Phó tổng giám đốc của ABBank từ tháng 4.2014 và đến tháng 5.2015 thì nắm quyền tổng giám đốc sau khi ông Phạm Duy Hiếu từ nhiệm.

Sau ABBank đến lượt SeABank. Ngay trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, ngân hàng công bố thông tin bất ngờ là ông Nguyễn Cảnh Vinh thôi nhiệm chức Tổng giám đốc vì lý do cá nhân sau hơn 4 tháng đảm nhận ghế nóng. Trước đó ông Vinh là phó tổng giám đốc của Techcombank, phụ trách mảng bán lẻ. Việc điều hành được giao lại cho ông Lê Văn Tần – Phó tổng giám đốc.

Theo nghị quyết HĐQT vừa được Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) công bố chiều tối 22.3, HĐQT Sacombank đã chấp thuận đơn từ nhiệm thành viên HĐQT - Phó Chủ tịch Thường trực của ông Kiều Hữu Dũng. Ông Dũng từng là Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng (NHNN), đại diện NHNN tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… Ông Kiều Hữu Dũng ra đi cũng đánh dấu nhân sự cuối cùng trong ban lãnh đạo Sacombank thời ông Trầm Bê.

Tại BIDV, sau khi chủ tịch của ngân hàng này là ông Trần Bắc Hà về hưu hồi tháng 9.2016 thì đến nay đã 17 tháng trôi qua nhưng ngân hàng vẫn chưa có chủ tịch mới. Nhiều người dự đoán tại mùa đại hội cổ đông năm nay ngân hàng sẽ có người kế nhiệm vị trí nóng nhất ở ngân hàng lớn này. Trong số các ứng viên có một nhân sự thu hút được sự chú ý của thị trường thời gian qua đó là ông Phạm Quang Tùng- từng là chủ tịch của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) – được điều động trở lại BIDV hồi tháng 12.2017. Ngoài ghế chủ tịch, ở BIDV mùa đại hội năm nay khả năng phải bầu bổ sung thành viên HĐQT khi ông Trần Anh Tuấn – người đang nhận nhiệm vụ phụ trách HĐQT kể từ khi ông Bắc Hà về hưu - cũng đến tuổi nghỉ hưu.

Một năm sau khi ông Dương Công Minh rời đi, ông Nguyễn Đức Hưởng cũng vừa quyết định từ nhiệm. Hai nhân vật có ảnh hưởng nhất không còn trong cơ cấu quản trị điều hành, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) bước vào giai đoạn mới.

Thay đổi là sự tất yếu

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là mục tiêu xuyên suốt trong thời gian qua của NHNN. Với định hướng đó, nhân sự là một trong những vấn đề được các ngân hàng đặt lên hàng đầu.

Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ 15.1.2018 yêu cầu chủ tịch, thành viên HĐQT, tổng giám đốc của tổ chức tín dụng không được kiêm nhiệm chức vụ tương tự ở doanh nghiệp khác. Như vậy, lãnh đạo cấp cao NH sẽ không được kiêm nhiệm giữ vị trí chủ chốt tại các DN khác. Đứng trước lựa chọn NH hay DN, ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank, đồng thời là Chủ tịch HĐQT của CTCP Him Lam; ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT TPBank, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DOJI; ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB, đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T; bà Thái Hương - Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc BacA Bank, đồng thời là Chủ tịch HĐQT TH True Milk đều đã đưa ra quyết định từ bỏ ghế chủ tịch các DN để chọn NH, đáp ứng quy định tại Luật sửa đổi Luật Các TCTD. Theo dõi trên thị trường, hiện còn khoảng gần 10 lãnh đạo cấp cao của NH và DN lớn hiện vẫn chưa đưa ra được câu trả lời chính thức. Đó là chưa kể tới nhiều cái tên ẩn danh khác.

Theo các chuyên gia, những quy định về nhân sự được nêu cụ thể trong Luật sửa đổi Luật Các TCTD thực sự hợp lý, nhằm tránh tình trạng sở hữu chéo, thao túng NH và hoạt động “sân trước sân sau”… Có một thực tế cần thẳng thắn nhìn nhận, nhân sự cấp cao của một số NH Việt Nam hiện non yếu kinh nghiệm bởi các ông chủ của ngân hàng thường là Chủ tịch HĐQT đem người thuộc thân hữu của họ vào, mà không qua quy trình tuyển dụng theo chỉ tiêu hợp lý. Bây giờ ở giai đoạn các NH đang dần tiếp cận và tiệm cận với những tiêu chuẩn quốc tế, thì những nhân sự đủ tài và đúng theo tiêu chí thông lệ quốc tế lại không đáp ứng đủ.

Sự thay đổi nhân sự cấp cao ở các ngân hàng là điều khó tránh khỏi. Nhân sự mới được kỳ vọng sẽ mang lại làn gió mới cho ngân hàng. Một lãnh đạo của NHTM chia sẻ, điểm quan trọng phải nhắc tới đó là thời gian qua, quá trình tái cơ cấu được NHNN chỉ đạo thực sự quyết liệt. Chính điều này khiến nhân sự tại các NH phải thay đổi rất nhiều. Nhưng không chỉ chịu áp lực đổi mới từ yêu cầu của NHNN, mà bản thân các NHTM cũng đòi hỏi sự cải tiến, đổi mới hoạt động ngay từ bên trong nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển các mảng kinh doanh mới… nên đòi hỏi nhân sự cao cấp thật sự “chất lượng”.

Gia Miêu