Công nhân sau tai nạn lao động cần được hỗ trợ việc làm

LÊ TUYẾT |

Những công nhân, người lao động sau tai nạn lao động có cuộc sống khá chật vật dù vẫn còn sức khỏe. Nguyên nhân là do mức trợ cấp tai nạn lao động (TNLĐ) không đủ sống và người tuyển dụng ngại tuyển họ.

Anh Lâm Văn Dũng, sinh năm 1971, vốn là tài xế của Cty TNHH Linfox logisitis VN (Bình Dương). Cách đây gần 10 năm, trong một lần làm việc, chân của anh bị kẹt vào bộ phận máy của xe vận chuyển nội bộ kho công ty gây thương tật cụt chân trái qua đầu gối, dẫn đến tỷ lệ thương tật trên 81%.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Mai Đức Chính động viên thân nhân NLĐ bị tai nạn lao động qua đời
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Mai Đức Chính động viên thân nhân NLĐ bị tai nạn lao động qua đời

Anh Dũng cho biết, với tỷ lệ thương tật 81%, hàng tháng anh lên phường nhận được gần 1 triệu đồng tiền trợ cấp. Anh Dũng bộc bạch: “Nhà 8 người, thu nhập bấp bênh, tôi là đàn ông mà giờ sống trông cậy vào các chị, nhiều lúc nghĩ buồn lắm. Tôi đi tìm việc, tới đâu người ta cũng chê, xin làm bảo vệ cũng không được. Chỉ mong có cái nghề để mình sống bớt vất vả”.

Anh Nguyễn Văn Thiện, sinh 1963, vốn là công nhân nông trường cây trồng công nghiệp thuộc Lực lượng thanh niên xung phong. Năm 1989, trong vụ TNLĐ do nổ nổi áp suất, anh chị cụt chân trái qua đầu gối, dẫn đến tỷ lệ thương tật 81%. Mức trợ cấp TNLĐ của anh hiện nay là 3 triệu đồng, đây là mức trợ cấp khá cao so với nhiều hoàn cảnh khác. Tuy nhiên, với việc một mình tự lo mọi việc, cùng với bệnh đái tháo đường, cuộc sống của anh Thiện khá chật vật. Anh chia sẻ: “Tôi ước có cái xe lắc tay đặng đi bán vé số, cuộc sống bức bách quá, tiền trợ cấp không đủ sống mà mình cứ ngồi không chịu chết”.

Khi đến thăm các trường hợp NLĐ bị tai nạn lao động nhân Tháng hàng động vì An toàn vệ sinh lao động năm 2018 tại TPHCM, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính chia sẻ: “Mức trợ cấp tai nạn lao động hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu cuộc sống của người lao động sau khi bị tai nạn. Đối với những NLĐ vẫn còn có sức khỏe, còn khả năng lao động, anh chị em cần được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, có như vậy cuộc sống mới bớt khó khăn hơn”.

LÊ TUYẾT