Họ Lê Việt Nam có vị trí quan trọng trong lịch sử dân tộc

Xuân Hùng |

Từ 16-18.9, Đại hội đại biểu họ Lê Việt Nam khóa IV đã được tổ chức tại khu du lịch Hải Tiến, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

Dự đại hội có gần 300 đại biểu từ 34 tỉnh, thành. Đại hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến, đề ra các biện pháp nhằm đẩy mạnh các hoạt động như tri ân tiên tổ, tìm về cội nguồn, kết nối gia phả, tôn tạo di tích dòng họ, khuyến học khuyến tài, xây dựng câu lạc bộ doanh nhân họ Lê v v…

Ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu chúc mừng Đại hội. Ảnh: T.L
Ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu chúc mừng Đại hội. Ảnh: T.L

Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang chúc mừng và đánh giá cao những kết quả dòng họ Lê Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua; đồng thời mong muốn trong nhiệm kỳ tới, Hội đồng dòng họ Lê Việt Nam sẽ quan tâm kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; tăng cường kết nối dòng họ, đoàn kết một lòng, vì sự phát triển của dòng họ và của quê hương, đất nước; xứng đáng với truyền thống và những đóng góp của dòng họ Lê trong lịch sử dân tộc.

Đại hội họ Lê Việt Nam khoá IV đã bầu được 89 người tham gia Hội đồng. Trung tướng Lê Phúc Nguyên – nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân được bầu làm Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam.

Trung tướng Lê Phúc Nguyên - nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Họ Lê Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: T.L
Trung tướng Lê Phúc Nguyên - nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Họ Lê Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: T.L

Họ Lê là dòng họ khá phổ biến ở Việt Nam, chiếm khoảng 10% dân số. Theo phả tộc dòng họ, họ Lê xuất hiện ở Việt Nam từ rất sớm. Trong lịch sử dân tộc, họ Lê có vai trò, vị trí quan trọng với nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng, có đóng góp lớn trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước.

Riêng hoạt động khuyến học, hằng năm, hội đồng họ Lê Việt Nam trao giải thưởng Lê Quý Đôn cho học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế; đồng thời trao học bổng vượt khó cho các học sinh họ Lê có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, bị mất cha mẹ trong đại dịch COVID-19. Hội đồng họ Lê các huyện, các tỉnh cũng tổ chức Hội khuyến học để động viên các học sinh, sinh viên giỏi, tìm kiếm nhân tài, phát triển tài năng cho đất nước.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chúc mừng Đại hội. Ảnh: T.L
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chúc mừng Đại hội. Ảnh: T.L

Tổ chức dòng tộc họ Lê Việt Nam được hình thành khá sớm. Năm 1930, ở miền Bắc đã có “Bắc Kỳ Lê tộc hội”, năm 1936 ở Quảng Nam – Đà Nẵng ra đời “Lê tộc hội”, năm 1970 ở Nam Bộ có “Lê tộc ái hữu tương tế hội”.

Năm 1995, Ban Liên lạc họ Lê Việt Nam chính thức được thành lập. Ngày 5.6.2006, Ban Liên lạc họ Lê Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ nhất với hơn 200 người tham dự.

Đến nay, đã có 34 tỉnh, thành có Hội đồng họ Lê hoạt động. Hội đồng họ Lê hoạt động trên nguyên tắc phi lợi nhuận, mục đích chính là hướng về nguồn cội, tri ân tiên tổ, đền ơn đáp nghĩa; phát huy truyền thống dòng họ với các phẩm chất tiêu biểu: Yêu nước, tự lực, tự cường, sống nhân nghĩa, vị tha; xây dựng dòng họ bền vững, đoàn kết, tương thân, tương ái, có cuộc sống vật chất, tinh thần khá giả, văn minh.

Xuân Hùng