Mang cơ hội việc làm đến người lao động yếu thế!

LÊ AN NHIÊN |

Người lao động (NLĐ) có hoàn cảnh khó khăn được trao cơ hội học nghề hoàn toàn miễn phí, đã giúp họ thay đổi cuộc đời, sống tốt hơn. Khi có được công việc, không chỉ làm chủ cuộc đời mình mà họ còn mang đến nhiều cơ hội cho những người có hoàn cảnh giống mình.

Có công việc để làm chủ cuộc đời mình 

“Để có thể tự tin chia sẻ với tất cả mọi người như hôm nay, tôi đã trải qua một hành trình mà nếu như tôi của 6 năm trước, có nằm mơ tôi cũng không thể nào tin là mình làm được” – Chị Lê Hạnh Thúy, vốn là học viên của chương trình dạy nghề miễn phí cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn “Làm đẹp để sống – Sống để làm đẹp” của L’Oreal, chia sẻ.

Trước khi đến với chương trình, chị Thúy một mình nuôi con nhưng lại không có nghề nghiệp ổn định. Một lần tình cờ đọc mẩu tin về chương trình “Làm đẹp để sống – Sống để làm đẹp”, chị mạnh dạn đăng ký. Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, phụ trách dự án, nhớ lại: “Đối tượng mà chương trình hướng đến là phụ nữ dưới 35 tuổi. Khi nộp đơn thi tuyển, chị Thúy đã 37 tuổi, đáng lẽ không còn phù hợp. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh của chị rất đặc biệt, nên chúng tôi vẫn mời chị đến phỏng vấn. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi nói chuyện với chị Thúy là ở chị có một khát khao rất lớn, mong muốn có một công việc”.

Chị Hạnh Thúy không giấu được xúc động: “Nhà tôi ở Long An. Cách nơi học nghề hơn 50 cây số. Tôi lại là lao động chính, để hoàn thành khóa học 6 tháng, với tôi là một hành trình mà suốt đời tôi sẽ không quên”. 2g sáng, chị Thúy đã dạy, làm việc nhà, cơm nước cho con rồi bắt mấy chặng xe buýt để lên TPHCM, đến nơi học nghề đúng giờ. Mặc dù được miễn chi phí học nghề nhưng chị vẫn phải lo chi phí cho gia đình, đi lại. “Đến tháng thứ 2 là tôi đuối, tưởng như mình bỏ cuộc. Tôi trình bày khó khăn của mình với các anh chị hướng dẫn, họ giới thiệu tôi đi làm thêm của các salon tóc, tôi có thêm thu nhập để theo đuổi việc học”. Sau 6 tháng, chị Thúy tốt nghiệp, chị được chương trình giới thiệu đến các salon tóc để nhận việc, sau đó chị ra mở tiệm riêng. Hiện nay, với tay nghề xuất sắc và khả năng truyền đạt tốt, chị được chương trình mời về làm giảng viên, hướng dẫn cho học viên mới.

“Cuộc sống của tôi hoàn toàn thay đổi khi tôi có nghề. Tôi nuôi sống được gia đình, tôi tự tin hơn. Và với công việc hiện tại, hỗ trợ, giúp đỡ các bạn có cùng hoàn cảnh giống mình, tôi thấy mình sống đẹp hơn” – Chị Hạnh Thúy chia sẻ.

Có hoàn cảnh bi đát hơn, T.H.V, cựu học viên của chương trình “Làm đẹp để sống – Sống để làm đẹp” không khỏi rùng mình khi nhớ về những ngày tháng đã qua. 17 tuổi, V bị lừa bán sang biên giới. 2 năm sau, V mới được giải cứu nhưng V bị sang chấn tâm lý nặng. Trong khi đó, gia đình V lại lâm cảnh nợ nần, cha mẹ làm rẫy, thu nhập bấp bênh nên cuộc sống của V hoàn toàn bế tắc. V được nhiều tổ chức giúp đỡ.

“Nhiều lúc em rất muốn bỏ ngang vì tâm lý mình lúc đó không ổn định, nhìn đâu cũng sợ. Nhưng các anh chị phụ trách, các học viên trong lớp đã động viên em. Nhiều bạn có hoàn cảnh giống em, chúng em động viên nhau cố gắng. Xong khóa học, các anh chị giới thiệu em đến một salon tóc, vừa làm, vừa tiếp tục học thêm để giỏi nghề. Đến giờ, không chỉ em có thể sống tốt, em còn phụ giúp được gia đình” – V, chia sẻ.

V và chị Hạnh Thúy là 2 trong hơn 1.500 người phụ nữ đã tìm thấy chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc, đón nhận món quà tương lai sau khi tham gia chương trình đào tạo tóc tại các trung tâm “Làm đẹp để sống – Sống để làm đẹp” tại Hà Nội, TPHCM, Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Quảng Bình và Vũng Tàu. Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh cho biết thêm, dự án đặc biệt nhân văn này hướng đến mục tiêu trao cho phụ nữ quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền làm chủ cuộc đời mình và thoát hẳn tình trạng phụ thuộc bằng cách tự chủ về kinh tế. Chương trình đào tạo thợ tóc chuyên nghiệp ra đời đã giúp cho các chị em trở thành những người thợ phụ, những chủ salon chăm sóc tóc trong cả nước.

Trao nghề làm bánh cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn

“Em thích làm bánh từ lâu nhưng thực sự không biết bắt đầu từ đâu và làm thế nào để có thể trở thành một thợ làm bánh chuyên nghiệp. Trong khi hoàn cảnh gia đình của em lại không cho phép em có thể đăng ký học làm bánh chuyên nghiệp được” – Một học viên của dự án “Lò bánh mỳ Pháp” tại TPHCM, chia sẻ. Em là 1 trong 20 học viên đầu tiên của dự án do Viện Hợp tác Phát triển Châu Âu (IECD) và Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TDC) thực hiện. Dự án là sẽ dạy nghề làm bánh mỳ và bánh ngọt Pháp chuyên nghiệp cho thanh thiếu niên thiệt thòi khắp Việt Nam có độ tuổi từ 18 đến 23.

Ông Charles Eric Sellier – Quản lý dự án “Lò bánh mì Pháp” cho biết, vào tháng 12.2017, 20 thanh thiếu niên Việt Nam tuổi từ 18 đến 23, tuyển chọn dựa trên tiêu chí liên quan tới hoàn cảnh kinh tế và xã hội của mỗi cá nhân, đã bắt đầu tham gia học tập và nhận được sự đào tạo chuyên sâu về nghề bánh mỳ và bánh ngọt Pháp trong vòng 16 đến 20 tháng. Ngoài việc được đào tạo theo tiêu chuẩn chất lượng hàng đầu, các em còn được hưởng lợi từ chương trình đào tạo ngoại ngữ Anh và kỹ năng mềm trong suốt thời gian học. Các em sẽ nhận hỗ trợ từ Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức về phòng ở trong khuôn viên ký túc xá, ngoài ra sẽ nhận được hỗ trợ về học phí, thực phẩm và chi phí y tế từ phía IECD. Mỗi tháng các em chỉ phải đóng 1 khoản phí tham gia là 150.000 VND. Tuy nhiên với những trường hợp đặc biệt khó khăn, phí tham gia này có thể được giảm bớt hoặc miễn nộp.

“Lò Bánh mỳ Pháp tại TPHCM hướng tới hỗ trợ các em trở thành những người trưởng thành có kỹ năng nghề nghiệp cao, có trách nhiệm và trở thành những cá nhân có ích cho xã hội. Dự án hy vọng các em sẽ tự xây dựng tương lai tươi sáng không chỉ cho bản thân, mà các em cũng có thể mang lại giá trị cho gia đình và cộng đồng” – Ông Charles Eric Sellier, kỳ vọng.

Để đảm bảo tính bền vững về kinh tế của dự án, “Lò bánh mỳ Pháp” sẽ vận hành theo mô hình doanh nghiệp xã hội, với hy vọng lợi nhuận thu được từ việc bán các sản phẩm bánh do học viên sản xuất, sẽ giúp dự án hướng tới mục tiêu tự tạo ra 90% chi phí vận hành.  

LÊ AN NHIÊN