Sinh viên với nhiều sáng chế từ năng lượng mặt trời giúp ích cho nông dân

QUỲNH NHƯ |

Dù còn rất trẻ, song các bạn sinh viên đã không ngừng tìm toài, sáng tạo ra những mô hình có thể áp dụng thiết thực trong đời sống như: Sử dụng năng lượng mặt trời trong việc tưới tiêu rau màu, cây trồng kết hợp nuôi cá và thắp sáng đèn vườn; Chưng cất nước biển thành nước ngọt; Sử dụng năng lượng mặt trời áp dụng trong hệ thống nhà kính.

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng  TPHCM vừa diễn ra vòng chung kết Cuộc thi “Solar energy 2019”.

Mô hình “Sử dụng năng lượng mặt trời trong việc tưới tiêu rau màu, cây trồng kết hợp nuôi cá và thắp sáng đèn vườn” của nhóm sinh viên năm 3 đã đoạt giải nhất. Bạn Võ Hoàng Kiệt, trưởng nhóm cho biết: “Ý nghĩa mô hình của em là giúp đỡ phần nào các bác nông dân miền Tây đỡ nhọc nhằn hơn về thời gian, mô hình của em là tự động hoàn toàn, tới thời gian định trước sẽ tự động tưới, tự động chiếu đèn”.

Bạn Kiệt chia sẻ thêm, trong quá trình chế tạo, nhóm gặp một số khó khăn về cách vận hành máy để hoạt động cùng lúc hai chức năng nuôi cá và tưới rau. Ngoài ra, vì học nhiệt lạnh nên không rành về phần mạch điện, vì vậy các bạn phải tự học thêm rất nhiều, trong khi thời gian có hạn. Tuy nhiên, 7 thành viên của nhóm làm việc cùng nhau rất tốt, các bạn phân công công việc hợp lý, phối hợp nhịp nhàng.

Giải nhì của cuộc thi thuộc về mô hình “Chưng cất nước biển thành nước ngọt”. Bạn Ngô Văn Minh Phụng, nhóm trưởng chia sẻ: “Vì thấy người dân tại vùng biển có nguồn ngước ngọt khó khăn nên nghĩ ra ý tưởng biến nước biển tại vùng ven biển thành nước ngọt để sử dụng”. Bắt tay vào việc chế tạo thiết bị, cái khó nhất với cả nhóm là liên lạc tìm kiếm vật tư để mua đồ thích hợp với hệ thống, tính toán làm sao để thu được năng lượng mặt trời tốt nhất cũng như phải đưa ra ý tưởng như thế nào để việc chưng cất nước của mình đạt hiệu quả cao.

Giải nhì của cuộc thi thuộc về mô hình “Chưng cất nước biển thành nước ngọt”. Ảnh: QUỲNH NHƯ.
Giải nhì của cuộc thi thuộc về mô hình “Chưng cất nước biển thành nước ngọt”. Ảnh: QUỲNH NHƯ.

Mô hình “Sử dụng năng lượng mặt trời áp dụng trong hệ thống nhà kính”, dùng cho hệ thống tưới tiêu tự động được trao giải ba. Bạn Nguyễn Hữu Tài, thành viên trong nhóm chia sẻ: “Tụi em muốn giúp người nông dân đỡ vất vả trong việc phải kéo những đường ống đi tưới cây hoặc ban đêm phải ra bật công tắc đèn cho cây”.

Mô hình “Sử dụng năng lượng mặt trời áp dụng trong hệ thống nhà kính”, sử dụng cho hệ thống tưới tiêu tự động được trao giải ba. Ành: QUỲNH NHƯ
Mô hình “Sử dụng năng lượng mặt trời áp dụng trong hệ thống nhà kính”, sử dụng cho hệ thống tưới tiêu tự động được trao giải ba. Ành: QUỲNH NHƯ

ThS. Lê Đình Trung, Phó trưởng bộ môn Điện lạnh nhà trường cho biết, cuộc thi có tất cả 25 đội tham gia. Khó khăn thường gặp là các bạn sinh viên phải tìm ra được những tấm pin đáp ứng được công suất mà các em đưa ra, và chi phí ban đầu tính toán làm sao cho phù hợp với số tiền sinh viên bỏ ra trong quá trình chế tạo. Một mô hình giá thành trung bình khoảng từ 1 - 1,5 triệu đồng. Riêng những nhóm lấy từ những đồ phế thải để chế tạo lại sẽ được chấm điểm cao hơn về mức độ ứng dụng và tính hiện đại.

QUỲNH NHƯ