Bố mẹ ly hôn – con ở đâu?

Đỗ Thu Vân |

Mấy ngày qua, dư luận vẫn chưa thôi bàn tán về vụ ly hôn đình đám của đôi vợ chồng doanh nhân nổi tiếng. Có chỉ trích, bênh vực, có phê phán, cảm thông và không thiếu cả sự nghi ngờ lẫn sụt sùi thương cảm. Đọc những bài viết trên các phương tiện truyền thông bữa giờ, tôi tưởng tượng những đứa con của họ hoặc đang rúm ró đâu đó, buồn bã, thất vọng hoặc đang sợ hãi ẩn mình khỏi những lời bàn tán trên mạng mà bố mẹ chúng là nhân vật chính.

Trong hầu hết các cuộc ly hôn, dường như bên nào cũng có lý lẽ để bảo vệ mình nhân danh những điều tốt đẹp nhất (của mình, dĩ nhiên) và lên án những điều tiêu cực của đối phương nhưng ít ai đề cập đến những đứa trẻ, vốn là nạn nhân quan trọng nhất của những cuộc chia ly này.

Là người ngoài cuộc, ta không thể phán xét chuyện ai đúng, ai sai dẫu việc ly hôn chắc chắn sẽ tốt hơn cho họ (bởi nếu không, họ đã chẳng đưa nhau ra tòa) nhưng cái án ly hôn của ba mẹ sẽ là một vết đen không thể xóa nhòa trong tâm hồn những đứa trẻ ấy khi lớn lên. Có ai dám chắc những đứa trẻ ấy khi trưởng thành sẽ không mang trong mình nỗi e ngại với chuyện lập gia đình, e dè với tình yêu đôi lứa hay mang một nỗi ác cảm vô hình nào đó với cuộc sống hôn nhân?

Huân, bạn tôi ly hôn gần chục năm nhưng số lần được thăm con đếm chưa hết một bàn tay. Sau ly hôn, vợ Huân đưa con ra nước ngoài. Không rõ lý do khiến họ ly hôn là gì nhưng vợ cũ Huân không muốn cho con gặp lại anh trong những lần hai mẹ con về nước dù anh tha thiết đề nghị. Chị cũng không cho con trò chuyện với anh qua điện thoại mỗi lần anh gọi qua. Lần vừa rồi, tình cờ qua người quen, Huân biết hai mẹ con vừa về quê dự đám cưới người thân. Anh đột ngột xuất hiện ở nhà vợ cũ chỉ để gặp được con. Hai cha con gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Cô bé đã học lớp chín, đủ lớn để cảm nhận được những uẩn khúc trong câu chuyện của người lớn nên nó hứa với Huân trở về Pháp sẽ xin mẹ cho phép xài điện thoại để có thể chủ động liên lạc với ba. Huân bắt đầu ngóng đến ngày bé con gọi cho mình mà không bị ai cản trở nữa.

Hoa, cô bạn đang sống ở Canada của tôi cũng đau đáu chuyện chồng cũ bỏ mặc con mình sau ly hôn. Dù toà án thoả thuận giao cho Hoa nuôi con nhưng chồng Hoa có nghĩa vụ trợ cấp hàng tháng và thăm con định kỳ. Thế nhưng, vừa ly hôn xong, chồng Hoa đã lập gia đình mới ngay và chẳng đếm xỉa gì đến mấy đứa con. Đứa con trai lớn của Hoa nhớ bố cứ khóc đòi suốt nhưng khi Hoa nhắc anh ta thăm con, anh ta cứ hẹn lần hẹn lữa vì vợ mới không muốn anh qua lại với mẹ con Hoa. Không được gặp bố một thời gian dài, thằng bé vốn quấn quít với bố trước kia trở nên tự kỷ. Nay đã hai mươi hai tuổi nhưng cậu bé ấy không thể học hành, không thể thi lấy bằng lái xe cũng như không xin được bất kỳ công việc đơn giản nào vì căn bệnh tự kỷ ấy.

Cuộc sống mấy ai biết trước chuyện gì, càng khó nói trước chuyện hợp – tan, yêu nhau hôm nay rồi mai chia tay cũng là thường nên nếu phải chọn giải pháp ly hôn, thiết nghĩ các cặp đôi cũng nên nghĩ đến những điều tốt đẹp họ từng có với nhau lúc tình cảm còn mặn nồng để hành xử sao cho ít ảnh hưởng đến những đứa con nhất.

Bố mẹ càng nổi tiếng nỗi đau như càng được thổi phồng lên thêm, nhưng điều đó không có nghĩa là những đứa con của những gia đình không nổi tiếng sẽ ít đau hơn khi chịu cảnh tan đàn sẻ nghé. Người lớn xin đừng nhẫn tâm đánh mất cuộc sống tốt đẹp của những đứa trẻ khi mà chúng - kết quả cho tình yêu của họ, không có khả năng chọn lựa cách chúng được đưa đến thế giới này.  

Đỗ Thu Vân