Trước câu hỏi tại sao ca khúc "Không dám đâu" đến với Ngọc Ánh từ MC Quyền Linh, nữ ca sĩ tâm sự, thời điểm đó có một trào lưu nói câu Không dám đâu, đại diện cho một lời từ chối.
Chính vì thế, Ngọc Ánh đã suy nghĩ và viết một bài thơ về câu nói này, tạo ra một cơ duyên để cô bé trong bài hát nói câu Không dám đâu. Sau khi hoàn thành bài thơ, cô đã nhờ cố nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền phổ nhạc.
Ngọc Ánh chia sẻ thêm, thời kỳ đỉnh cao của cô bắt đầu từ 1990 đến 1999. Tuy sở hữu nhiều hit nhưng cô có kỷ niệm đặc biệt với ca khúc Mùa xuân bên cửa sổ: "Sau khi thu âm chung với một ban nhạc từ Sài Gòn ra Hà Nội diễn, ở đó, người ta mời mình thu âm một bài thì tôi đã hát Mùa xuân bên cửa sổ này, và sau đó phát sóng suốt 10 năm liền mỗi ngày lúc 5 giờ sáng. Đó cũng là một dấu ấn rất lớn, một kỷ niệm đẹp mà tôi rất hạnh phúc, tự hào mỗi khi nhắc tới".
Tiếp nối câu chuyện, Ngọc Ánh vô cùng hào hứng khi bức hình buổi biểu diễn "Không dám đâu" tại Trung Quốc vào năm 1994 của cô được chiếu trên màn ảnh lớn. Thời điểm đó đi bất cứ đâu Ngọc Ánh cũng được yêu cầu trình diễn ca khúc này.
Nữ thần tượng hài hước tâm sự: "Đôi khi đi diễn cái tên của tôi cũng bị dịch khác luôn. Trong đoàn có một chú phiên dịch tiếng Việt sang tiếng Hoa, chú thường đứng bên cạnh gà để liên lạc giữa hai bên. Người ta gọi tên mà tôi không biết, chú nói ra hát đi, tôi mới biết. Bởi vì người ta muốn có phong cách trẻ trung đại diện cho Việt Nam nên tôi đã chọn áo dài".
Tiếp đến chính là bức hình gia đình Ngọc Ánh quây quần ngồi soạn thư. Giải thích về khung cảnh này, nữ ca sĩ nói: "Đây là thư khán giả gửi đến xin hình tôi, vì số lượng quá nhiều nên cả gia đình phải cùng ngồi làm từ cha, mẹ, anh, chị cho đến chú tài xế và cô giúp việc. Tôi chỉ ký thôi chứ không làm gì được nổi nữa. Mỗi lần in ra khoảng 10 ngàn tấm".
Nguyên nhân khán giả biết địa chỉ nhà Ngọc Ánh để gửi thư xin ảnh là: "Có một lần tôi hát cho báo Mực Tím thì khán giả mới xin địa chỉ để gửi thư xin hình. Đúng ra mình không nên cho địa chỉ vì mình cũng là người nổi tiếng. Nhưng lúc đó tôi buột miệng nói ra nên mỗi một ngày cả tạ lá thư được gửi tới nhà, phải đựng trong bao tải.
Chú phát thư còn thắc mắc đây là nhà ai mà nhiều thư dữ vậy. Thế nên mỗi lần đổ thư ra là cả nhà nhào vô làm. Tôi làm hẳn một con dấu bằng đồng ghi Ngọc Ánh thân tặng để đóng, còn chữ ký thì ký thật. Hình ảnh này chỉ là một trong số ít vào thời điểm đó thôi".