Cú chuyển ngoặt thể loại của Steven Spielberg
Khi lần giở lại những thước phim bom tấn trong sự nghiệp đồ sộ của Steven Spielberg, không khó để nhận ra vị đạo diễn vĩ đại này sở hữu độ nhạy cảm sắc bén với âm nhạc và nhịp điệu.
Nhưng phải đến tuổi 74, Spielberg mới bắt tay vào một tác phẩm điện ảnh được kể bằng thể loại nhạc kịch; và bộ phim mà ông lựa chọn thực hiện là bản làm lại của một trong những tác phẩm nhạc kịch thành công nhất màn ảnh Mỹ - West Side Story. Cho tới tận ngày nay, rất hiếm có bộ phim nào vượt qua được thành tích giành 10 tượng vàng trên 11 đề cử, trong đó có giải “Phim hay nhất” danh giá của West Side Story.
Khi kể lại câu chuyện của West Side Story sau 60 năm, Steven Spielberg không bị ám ảnh bởi cái bóng quá lớn của tác phẩm gốc, cũng không tìm cách thay đổi hoàn toàn tác phẩm kinh điển. Thay vào đó, ông cùng đội ngũ tài hoa vừa giữ nguyên tinh thần vượt thời gian của câu chuyện tình nơi khu ổ chuột New York vừa trao cho bộ phim một hơi thở mới bằng phong cách khó lẫn của ông hoàng bom tấn.
Steven Spielberg tái sinh một West Side Story cổ điển nhưng vẫn đậm phong cách cá nhân
Bộ phim mở đầu bằng cú máy từ trên cao phóng tầm nhìn bao quát toàn bộ khu nhà nham nhở những đổ nát trong cuộc cải tạo thành phố.
Cuộc đối đầu của hai nhóm thanh niên nhanh chóng xâm chiếm khung hình bằng những bước vũ đạo mạnh mẽ được cải tiến từ phiên bản gốc do nhà biên đạo huyền thoại Jerome Robbins sáng tạo. Không khí đậm đặc bạo lực và căng thẳng mà Steven Spielberg kiến tạo ngay từ những phút đầu tiên đã xác định màu sắc hiện thực ông muốn phủ lên phiên bản mới của West Side Story.
Cách Steven Spielberg dàn dựng những cảnh chạm trán hoành tráng và sử dụng ánh lóe sáng đặc trưng nhắc người xem nhớ rằng bộ phim được đạo diễn bởi ông hoàng của thể loại hành động, viễn tưởng.
Dưới bàn tay của các nhà làm phim kỳ cựu hàng đầu Hollywood, những khung hình của West Side Story chạm tới ngưỡng hoàn mỹ mẫu mực.
Tái sinh giá trị cổ điển
Những khu phố tàn tạ của New York mà bộ phim dựng nên đã trở thành nền cảnh hoàn hảo cho câu chuyện của kì thị và chia rẽ chưa bao giờ cũ.
Ở trung tâm của câu chuyện, Tony và Maria dường như là chút tia sáng sót lại cuối cùng của một thế giới đầy rẫy phẫn uất và tuyệt vọng. Tình yêu của họ là điều duy nhất đủ mạnh mẽ để gắn kết mối mâu thuẫn sâu sắc.
So với bản gốc, biên kịch Tony Kushner đã gia cố lại các tình tiết và nhân vật để trở nên thuyết phục hơn với khán giả hiện đại. Những cú giáng bi kịch cũng mạnh mẽ và tàn khốc hơn hẳn giọng điệu lãng mạn của phiên bản 60 năm trước. Khi thi hài của Tony tiến vào màn đêm trên bàn tay những người từng coi anh là kẻ thù trước ánh nhìn của Maria, cảm xúc còn lắng lại trong người xem là xót xa nhiều hơn tiếc nuối cho một tình yêu.
Ngay sau khi ra mắt, West Side Story nhận được vô số lời khen từ giới phê bình và lập tức trở thành ứng cử viên sáng giá cho đường đua Oscar. Phim được kỳ vọng sẽ lập lại thành công đáng nhớ của phiên bản gốc tại giải thưởng điện ảnh danh giá sẽ diễn ra vào đầu năm sau.