Bệnh viện Nhi đồng 2 tự chủ được ghép thận, gan tại phía Nam

NGUYỄN LY |

Ngày 10.7, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cho biết, vào ngày 2.4, Bộ Y tế công nhận Bệnh viện Nhi đồng 2 là cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện kĩ thuật lấy, ghép thận, gan từ người hiến sống và từ người hiến chết não tại bệnh viện.

Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, từ năm 2005, ca ghép gan đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện. Đến năm 2020, tổng số bệnh nhi được thực hiện ghép gan là 12 ca. Tuy nhiên, có một thời gian bệnh viện bị gián đoạn việc ghép gan nói riêng và ghép tạng nói chung do nhiều nguyên nhân liên quan như: nhân lực y tế, cơ sở vật chất, nguồn tạng hiến tặng, và công tác phẫu thuật các bệnh khác bị ảnh hưởng. Trong giai đoạn gián đoạn này, trung bình một năm chỉ thực hiện được một ca ghép gan.

Sau đại dịch COVID-19, chỉ trong vòng hai năm 2022-2024, đã có 24 ca ghép gan được thực hiện, nâng tổng số ca ghép tạng lên 36. Hiện nay, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, có khoảng 200 bệnh nhi đang chờ được ghép gan, con số này rất lớn so với số lượng ca ghép gan được thực hiện suốt những năm qua. Vì vậy, việc có một trung tâm đầy đủ điều kiện ghép tạng đã mở ra cơ hội sống cho các bệnh nhi.

TS.BS Trần Thanh Trí – Trưởng Khoa ghép Gan - Mật - Tụy, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cho biết, đối với bệnh nhi bị suy thận và có chỉ định ghép thận nhưng chưa có nguồn thận ghép vẫn có thể duy trì bằng cách chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, đối với bệnh nhi ghép gan, nếu không được ghép sớm và kịp trong giai đoạn vàng, bệnh nhi có thể không chờ được và tử vong. So với các nước trên thế giới, tỉ lệ bệnh nhi tử vong do chưa được ghép gan tại Việt Nam lớn hơn nhiều.

Vì vậy, ngành y tế và Bệnh viện Nhi đồng 2 hy vọng trong thời gian tới sẽ đẩy nhanh tiến độ ghép gan cho càng nhiều bệnh nhi càng tốt. Đồng thời, hiện nay, nguồn gan được ghép thành công đều đến từ người hiến còn sống. Luật pháp hiện vẫn chưa có quy định liên quan đến nguồn tạng hiến từ trẻ em, vì vậy nguồn tạng vẫn là bài toán khó.

NGUYỄN LY