Ngày 5.10, thông tin tại Hội nghị khoa học Nội khoa toàn quốc tổ chức tại TP Huế, ThS.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, phế cầu khuẩn là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh và được chia làm 2 loại xâm nhập và không xâm nhập.
Các bệnh phế cầu không xâm nhập bao gồm viêm tai giữa cấp và viêm xoang. Các bệnh do phế cầu khuẩn xâm nhập gồm viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết. Trong đó, viêm phổi có thể viêm phổi nhiễm khuẩn huyết chiếm 25% và viêm phổi không nhiễm khuẩn huyết chiếm 75%.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính mỗi năm trên thế giới có 1,6 triệu người chết do bệnh phế cầu khuẩn, trong đó có đến 600.000 - 800.000 người lớn chủ yếu do viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Hơn 90% số ca tử vong này xảy ra ở các nước đang phát triển.
Nhưng ngay cả ở các quốc gia phát triển, bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn cũng gây tỉ lệ tử vong cao - trung bình 10 - 20% ở người lớn bị viêm phổi do phế cầu khuẩn, và tỉ lệ này còn cao hơn nhiều ở những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh.
Theo ThS.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương, phòng ngừa nhiễm phế cầu đặc biệt quan trọng đối với nhóm bệnh nhân có bệnh lý mạn tính. Hiện có 2 loại vaccine chính là PCV13 được khuyến cáo cho trẻ nhỏ, người lớn trên 65 tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu. Cùng với vaccine PPSV23 dành cho người lớn và bệnh nhân mạn tính trên 2 tuổi, đặc biệt nhóm có nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được tư vấn về lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống cân bằng, vận động thể dục thường xuyên và tránh thuốc lá, rượu bia. Sử dụng các biện pháp vệ sinh cá nhân, như rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang trong mùa cúm, có thể giúp ngăn ngừa lây nhiễm.
Ngoài ra, bệnh nhân cần điều trị tốt các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, COPD, suy tim giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng do phế cầu. Việc phối hợp giữa tiêm chủng, kiểm soát tốt bệnh lý nền và tăng cường hệ miễn dịch sẽ giúp giảm thiểu tối đa tác động của nhiễm phế cầu lên bệnh nhân mạn tính, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật và tỉ lệ tử vong.
Cũng tại Hội nghị khoa học Nội khoa toàn quốc, đã có gần 220 báo cáo của các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực Nội khoa đến từ các bệnh viện, trường Đại học lớn trong cả nước và các Hội nghề nghiệp lớn của Việt Nam về Tim mạch học, Nội tiết - Đái tháo đường, Đột quỵ, Tiết niệu - Thận học, Hồi sức tích cực.