Dinh dưỡng tĩnh mạch duy trì sự sống cho bệnh nhân ung thư

NGUYỄN LY |

TPHCM - Dinh dưỡng tĩnh mạch cho bệnh nhân ung thư không chỉ kéo dài sự sống mà còn giúp bệnh nhân theo kịp tiến trình điều trị.

Đối với những bệnh nhân ung thư, việc điều trị đau đớn không chỉ cả về thể xác mà còn cả tinh thần.

Đối với những bệnh nhân nặng, không còn đáp ứng được đường ăn uống trực tiếp thì việc bổ sung dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch là điều tiên quyết.

Bệnh nhân H.K (56 tuổi, tỉnh Bến Tre) được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tiêu hóa giai đoạn cuối, không còn chỉ định phẫu thuật, xạ trị, hóa chất. Bệnh nhân mỗi ngày phải hứng chịu đau đớn vì các tế bào ung thư phát triển nhanh rộng.

Để giảm bớt cơn đau, bệnh nhân cần được chăm sóc giảm nhẹ tích cực mỗi ngày, đồng thời bệnh nhân được nuôi ăn qua đường tĩnh mạch nhằm có thêm sức lực để chống chọi với bệnh tật.

BS.CKI Nguyễn Thanh Thủy Trang – Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, dinh dưỡng tĩnh mạch là phương pháp có thể cứu sống được bệnh nhân khi bệnh nhân thuộc một trong ba đối tượng sau.

Thứ nhất, những người bệnh không thể nuôi ăn qua đường tiêu hóa, chẳng hạn như những bệnh nhân đang mắc tình trạng bệnh tắc ruột, liệt ruột, đang theo tình trạng xuất huyết tiêu hóa. Những trường hợp này cần phải nuôi ăn qua đường tĩnh mạch.

Thứ hai, ở những bệnh nhân không nên nuôi qua đường tiêu hóa, chẳng hạn là những bệnh nhân vừa phẫu thuật đường tiêu hóa xong, ở những bệnh nhân có suy dinh dưỡng kèm theo tiêu chảy nặng, trong quá trình điều trị hoặc những bệnh nhân có nôn kéo dài không thể kiểm soát được sau khi hóa trị hoặc những bệnh nhân nặng, chưa thể ăn qua đường miệng được.

Trường hợp thứ ba, những bệnh nhân có dò ở đường bụng hoặc những vị trí khác trên cơ thể hoặc ở những bệnh nhân đã cố gắng ăn nhiều nhưng do nhu cầu cao nên không đạt đủ năng lượng.

“Chúng ta cần phải cố gắng cho bệnh nhân ăn qua miệng hết sức có thể, nếu không đạt thì nên ăn qua ống, khi nào không thể ăn qua ống mới truyền dinh dưỡng tĩnh mạch.

Một số trường hợp cần cân nhắc như ở bệnh nhân lớn tuổi, trẻ em ăn không đủ nhưng từ chối đặt ống nuôi ăn thì có thể đặt dinh dưỡng tĩnh mạch”, bác sĩ Thủy Trang nhấn mạnh.

Mục tiêu của dinh dưỡng tĩnh mạch cần đáp ứng việc giảm biến chứng của bệnh nhân sau điều trị. Cần giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân, nếu bệnh nhân được nuôi dưỡng đủ có thể xuất viện sớm.

Đồng thời, dinh dưỡng có thể cải thiện được khả năng sống còn của bệnh nhân khi kết hợp đồng thời với các phương pháp điều trị ung thư, tăng chất lượng sống của bệnh từ đó theo được tiến trình điều trị.

NGUYỄN LY