Sốt xuất huyết lập đỉnh mới
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 99.639 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Tại Hà Nội, theo CDC Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội đã có 20.548 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó đã có 3 ca tử vong.
Tuần qua cũng ghi nhận 136 ổ dịch sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện, thị xã. Đây là tuần có nhiều ổ dịch nhất từ đầu năm 2023 cho đến nay.
Thời điểm hiến máu tốt nhất sau khi mắc bệnh
Việc hiến máu chỉ có thể thực hiện được khi người hiến thực sự khỏe mạnh, hoàn toàn tự nguyện và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về độ tuổi, cân nặng và các điều kiện sức khỏe khác. Một số trường hợp phải trì hoãn hiến máu trong thời gian nhất định.
Theo quy định tại Thông tư 26/2013/TT-BYT về Hướng dẫn hoạt động truyền máu:
- Phải trì hoãn hiến máu trong 12 tháng kể từ thời điểm: tiêm, truyền máu, chế phẩm máu và các chế phẩm sinh học nguồn gốc từ máu.
- Phải trì hoãn hiến máu trong 4 tuần kể từ thời điểm: Khỏi bệnh sau khi mắc một trong các bệnh viêm dạ dày ruột, viêm đường tiết niệu, viêm da nhiễm trùng, viêm phế quản, viêm phổi, sởi, ho gà, quai bị, sốt xuất huyết, kiết lỵ, rubella, tả, quai bị.
Do đó, vừa mắc sốt xuất huyết nhưng không cần truyền tiểu cầu hoặc chế phẩm máu khác thì có thể tham gia hiến máu/hiến tiểu cầu sau 4 tuần kể từ khi khỏi bệnh.
Nếu phải truyền chế phẩm máu trong khi điều trị sốt xuất huyết, thì phải sau khi khỏi bệnh 12 tháng mới có thể tiếp tục tham gia hiến máu/hiến tiểu cầu.