Theo một nghiên cứu mới đây, đa số bệnh nhân tim mạch đang tiêu thụ lượng natri cao gấp đôi so với khuyến cáo chính thức. 89% số người tham gia nghiên cứu có lượng natri hàng ngày vượt quá mức an toàn cho người khỏe mạnh là 2.000 mg (theo WHO).
Natri là thành phần chính của muối ăn (natri clorua), một khoáng chất thiết yếu cho cơ thể nhưng cần được tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Tiêu thụ quá nhiều muối có thể dẫn đến tăng huyết áp và các vấn đề sức khỏe tim mạch khác. Việc kiểm soát lượng natri tiêu thụ là rất quan trọng để duy trì sức khỏe tổng thể.
Theo Michelle Routhenstein, chuyên gia dinh dưỡng tim mạch tại New York, Hoa Kỳ, việc người dân tiêu thụ natri quá mức cho thấy ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác ngoài việc tiếp cận nguồn thức ăn. Bà nhận định rằng, sự phổ biến của thực phẩm chế biến sẵn có hàm lượng natri cao (các loại đồ ăn đóng gói, đồ ăn vặt,...), thói quen ăn uống ưu tiên món mặn trong văn hóa, và thiếu hiểu biết về tác động sức khỏe của natri là những nguyên nhân chính.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo, việc tiêu thụ quá nhiều natri không những làm tăng áp lực lên hệ thống tim mạch mà còn có thể dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng như xơ cứng động mạch và xơ vữa động mạch. Bác sĩ Jayne Morgan, một chuyên gia tim mạch tại Atlanta, Georgia, Hoa Kỳ , nhấn mạnh rằng, natri có vai trò quan trọng trong việc cân bằng nước và hỗ trợ hoạt động của cơ bắp, nhưng lượng tiêu thụ quá mức lại là nguyên nhân gây tăng huyết áp, khiến tim phải làm việc nhiều hơn.
Nghiên cứu này được trình bày tại Phiên họp khoa học thường niên của Trường Tim mạch Hoa Kỳ từ ngày 6 đến 8 tháng 4, và dù chưa được công bố trên các tạp chí chuyên ngành, những phát hiện ban đầu đã là hồi chuông cảnh tỉnh về tầm quan trọng của việc kiểm soát lượng natri tiêu thụ hàng ngày.