Nguyên nhân chính khiến bệnh giãn tĩnh mạch chuyển nặng

NGUYỄN LY |

TPHCM – Nhiều thường người nghĩ chỉ phụ nữ mới mắc bệnh giãn tĩnh mạch, bệnh của người già, bệnh nhẹ không cần điều trị… là những lầm tưởng về suy giãn tĩnh mạch chi dưới dẫn đến biến chứng nặng.

Anh Tr.T (28 tuổi, tiếp viên hàng không) bắt đầu xuất hiện triệu chứng nặng mỏi chân, đau và tê chân, chuột rút hai chân về đêm. Kèm theo đó là những đám tĩnh mạch giãn to như giun ngoằn ngoèo cả hai chân. Dù nghe nói về căn bệnh suy tĩnh mạch chi dưới nhưng vì nghĩ bệnh này chỉ gặp ở phụ nữ nên anh bỏ qua không thăm khám. 

 
  Bác sĩ tiến hành thủ thuật đốt laser loại bỏ tĩnh mạch suy giãn cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Gần đây, đám tĩnh mạch lan rộng hơn, chân phù, đau nhức nhiều hơn, không thể đứng lâu được nữa, anh mới đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM thăm khám. Bác sĩ cho biết anh bị suy giãn tĩnh mạch cấp độ C2  cần thực hiện thủ thuật.

ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng, khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết, không ít bệnh nhân suy tĩnh mạch chi dưới có những hiểu lầm tai hại về bệnh. Họ cho rằng căn bệnh này chỉ gặp ở người trên 40 tuổi, chỉ là vấn đề của phụ nữ, không ảnh hưởng đến sức khỏe, ai làm công việc đứng/ngồi lâu thì mới mắc bệnh… Do đó, có đến 75% người bệnh đến khám khi tình trạng bệnh đã tiến triển, tĩnh mạch nổi gồ ghề trên da, giãn tĩnh mạch mạng nhện, chàm da…

“Nếu không được điều trị tích cực và phòng ngừa từ sớm, suy giãn tĩnh mạch chi dưới mức độ nhẹ có thể tiến đến cấp độ C5, C6 dù thời gian tiến triển khá lâu, tuy nhiên bệnh sẽ gây đau nhức nặng, mỏi hai chân ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Việc để càng lâu không điều trị tích cực những mạch máu sẽ giãn nở, vỡ ra gây loét, khiến quá trình điều trị phức tạp, tốn kém hơn”, bác sĩ Hằng nói.

Theo BS Trần Quốc Hoài, khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, có nhiều phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới tùy vào từng giai đoạn như thay đổi lối sống, tập thể dục, uống thuốc, mang vớ tĩnh mạch, chích xơ tĩnh mạch, hay can thiệp nội tĩnh mạch như đốt laser hay sóng cao tần nội mạch, bơm keo sinh học... 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), suy giãn tĩnh mạch chi dưới thường gặp ở khoảng 35% người đang làm việc, khoảng 50% người đã nghỉ hưu. Ở người trưởng thành, khoảng 73% nữ giới và 56% nam giới mắc phải căn bệnh này.

“Không thể phòng ngừa tuyệt đối bệnh suy tĩnh mạch chi dưới. Tuy nhiên, mỗi người có thể làm chậm quá trình này cũng như phòng ngừa bệnh tái phát sau điều trị bằng cách tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, không đứng hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài, hạn chế mang giày cao gót, dành 30 phút mỗi ngày thực hiện bài tập phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch … Bên cạnh đó, những người có yếu tố nguy cơ như làm công việc phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít vận động, béo phì, tập tạ nặng, người có tiền sử cục máu đông hoặc tổn thương tĩnh mạch… nên thăm khám tầm soát bệnh sớm để điều trị hiệu quả”, bác sĩ Hằng nhấn mạnh.

NGUYỄN LY