Bệnh nhân N.N.D, 64 tuổi ở Bắc Giang. Ông D phát hiện viêm gan B cách đây 30 năm. 3 năm gần đây đã điều trị thuốc kháng virus. 5 tháng nay ông đã uống thuốc nam điều trị viêm gan B.
Tuy nhiên 1 tháng trở lại đây ông D xuất hiện mệt mỏi, vàng da tăng dần. Ông D đến cơ sở y tế điều trị, sau 1 tuần được xuất viện. Khi về nhà, ông D thấy mệt mỏi hơn, chán ăn, tiểu ít, có màu vàng sẫm, đại tiện phân táo. Gia đình đưa bệnh nhân vào bệnh viện điều trị. Một ngày sau ông D được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng da và mắt vàng đậm, được chẩn đoán: Suy gan cấp, xơ gan, viêm gan B mạn. Các bác sĩ đã giải thích cho người nhà bệnh nhân về tình trạng bệnh, tiên lượng rất nặng, nguy cơ hôn mê gan.
Một trường hợp khác, bệnh nhân T.N.T, 64 tuổi ở Hưng Yên. Bệnh nhân không mắc bệnh mạn tính, không bị viêm gan B, C, không uống rượu bia. Khoảng 3 năm trở lại đây, ông T có uống thuốc nam, thuốc bắc.
Trước khi nhập viện khoảng 3 tuần, bệnh nhân có uống thuốc nam 10 ngày để điều trị sỏi túi mật. Sau khi uống thuốc, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi ăn uống kém. Bệnh nhân đã nhập viện 2 tuần để điều trị nhưng sau khi ra viện, bệnh nhân lại xuất hiện mệt mỏi. Gia đình đã đưa bệnh nhân vào bệnh viện kiểm tra. Bệnh nhân được chẩn đoán: Theo dõi viêm gan nhiễm độc, có viêm gan cấp.
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh cơ sở Kim Chung, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Suy gan có nghĩa là các chức năng của gan đã bị suy giảm, không đảm bảo được các chức năng bình thường. Khi các chức năng của gan bị suy thì cơ thể sẽ bị ảnh hưởng.
Đối với bệnh nhân viêm gan virus B đang điều trị phải tuyệt đối tuân thủ thuốc kháng virus, không được ngừng thuốc trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Người dân uống bất kỳ một thứ thuốc gì đều phải tìm hiểu rõ nguồn gốc, không được uống thuốc hoặc các chế phẩm không rõ nguồn gốc.