Những chuyện đặc biệt ở nơi “làm người khác sống thêm một lần nữa”

Hà Lê |

Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người được nhiều người ví là nơi “làm cho người khác sống thêm một lần nữa”, bởi đơn vị này chính là cầu nối để nhiều bệnh nhân cận kề cái chết có cơ hội được tiếp tục cuộc sống từ nguồn mô tạng của người khác. Còn những người hiến tặng nguồn mô tạng đó, tuy họ mất đi nhưng họ lại có cơ hội sống thêm một lần thứ 2 trên cơ thể của người khác.

Cầu nối nhân ái này đã khiến rất nhiều người xúc động và ở đó đã có nhiều câu chuyện đầy tình người ít ai biết tới. 

Một ca phẫu thuật ghép tim tại BV Chợ Rẫy từ nguồn tạng được hiến - Ảnh: K'LIEP
Một ca phẫu thuật ghép tim tại BV Chợ Rẫy từ nguồn tạng được hiến - Ảnh: K'LIEP

Những người muốn nhường sự sống cho người khác khi còn khỏe

Cuối giờ làm việc ngày cuối tuần, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đón một vị khách cao tuổi. Đó là bà T.T.V, ở Hà Nội năm nay đã bước sang tuổi 85. Anh Nguyễn Tiến Thành - cán bộ Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - tiếp bà V rất chu đáo. Anh Thành mất không quá lâu để nhận ra bà V. 3 năm trước, bà V đã đến với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để đăng ký hiến tạng. Lần này, bà V quay lại với mong muốn: Hiến tạng mà không cần chết não. “Tôi muốn hiến tạng ngay thời điểm này, không cần phải chết não. Tôi khoẻ mạnh, không bệnh tật gì. Với tôi, sống được đến từng này tuổi là hạnh phúc lắm rồi. Tôi muốn góp sức mình đem lại cơ hội sống cho người khác, làm một việc có ích hơn cho cuộc đời”. Sau khi hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà V, anh Nguyễn Tiến Thành rất cảm động tấm lòng của bà V nhưng luật không cho phép hiến tạng khi còn sống. Một hồi phân tích, bà V vẫn chưa thoả mãn. Bà bảo: "Tôi sẽ làm đơn xin chết để hiến tạng. Như thế, các anh chị sẽ không bị kiện. Tim, gan, phổi… tôi còn khoẻ lắm. Tôi tha thiết muốn được hiến tạng ngay lúc này".

Phải mất thời gian rất lâu, anh Nguyễn Tiến Thành và các cán bộ Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người mới thuyết phục để bà V hiểu: Việc hiến tạng cứu người là hành động đẹp nhưng phải theo luật. Nghĩa là người muốn hiến tạng phải chết não. Việc thực hiện hiến tạng chỉ được thực hiện khi thực hiện theo đúng luật. Chúng ta không thể giết người để cứu người được.

Trường hợp như bà V không phải là duy nhất. Ông Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - cho biết: Có nhiều trường hợp tương tự như thế. Mỗi người là một câu chuyện hết sức cảm động. Ông Nguyễn Hoàng Phúc nhớ lại: Một người đến với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người khiến ông và các đồng nghiệp ấn tượng. Người đàn ông ngoài 70 tuổi xin hiến một giác mạc. Ông là T.Q.K ở Hà Nội. Bất ngờ hơn khi tiếp xúc, ông Phúc mới biết người đàn ông này chỉ còn một giác mạc, một bên mắt đã hỏng. Mọi người có mặt trong buổi gặp đó rất ngạc nhiên khi người đàn ông đã hỏng một mắt, giờ lại xin hiến giác mạc còn lại thì làm sao nhìn được ánh sáng. Câu chuyện vỡ lẽ khi người đàn ông này chia sẻ: “Tôi muốn hiến giác mạc còn lại bởi còn một mắt cũng như không. Tôi đã nhìn thấy cuộc đời này hơn 70 năm, giờ đây tôi muốn nhường lại ánh sáng cho người trẻ tuổi để họ có cơ hội sống tốt hơn”. Một lần nữa, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người lại phải từ chối người đàn ông có tấm lòng cao thượng, hành động cao đẹp.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc cho biết: Không ít người muốn hiến tạng nhưng không phải chết não. Họ muốn hiến tạng để sau đó ra đi luôn vì nghĩ rằng có những người trẻ đang cần được ghép tạng để có cuộc sống ý nghĩa hơn. Ông Phúc nhớ như in một trường hợp gọi điện đến từ tỉnh Hải Dương. Đó là một người đàn ông trên 60 tuổi không gia đình, con cái. Người đàn ông này tâm sự vì không có gia đình, con cái nên muốn lên ở hẳn với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Trung tâm có việc gì ông có thể làm và sẽ sống ở đây đến khi qua đời để được hiến tạng. Với trường hợp này, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cũng không thể đáp ứng vì nằm ngoài khả năng của trung tâm. 

Hiến tạng trở thành một nghĩa cử cao đẹp.
Hiến tạng trở thành một nghĩa cử cao đẹp.

Gia đình đầu tiên ở Việt Nam đăng ký hiến tạng

Câu chuyện cả gia đình TS Đặng Hoàng Giang cùng nhau đi đăng ký hiến tạng sau khi chết hoặc chết não, ông Nguyễn Hoàng Phúc nói rằng ông thực sự trân quý trước quyết định của cả gia đình TS Đặng Hoàng Giang.

Ông Phúc nhớ lại: Cách đây gần năm, một bác sĩ Bệnh viện K chia sẻ câu chuyện một nữ bệnh nhân ung thư đã quyết định thuyết phục gia đình để đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời. Và TS Giang đã đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để tìm hiểu về việc hiến tạng và chúng tôi biết nhau, rồi nhiều câu chuyện tử tế cứ tiếp nối… Cho đến một ngày, TS Đặng Hoàng Giang bày tỏ sẽ cùng gia đình đến trung tâm đăng ký hiến tạng chứ không phải đến một mình.

Những ngày cuối năm 2017, cả gia đình TS Đặng Hoàng Giang đã xuất hiện để cùng làm việc… cần làm. Một việc làm mà không phải ai trong 90 triệu dân Việt Nam cũng có cơ hội biết tới.

TS Đặng Hoàng Giang cũng thừa nhận: Từ khi tham gia một chương trình khá đặc biệt mang tên "Hành trình cận tử", đồng hành với những người đang cận kề với cái chết. Nỗi đau đớn thể xác, giày vò tinh thần, cả tâm tư nguyện vọng của những người đứng trước lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, TS Giang đều thấu hiểu và xót xa. Ý định đăng ký hiến tạng cứ le lói trong thâm tâm ông từ đó. Thế rồi, một ngày TS Giang gặp một cô gái nông thôn mới ngoài 20 tuổi ở Thanh Hóa. Cô gái mắc bệnh ung thư, mong muốn được hiến giác mạc sau khi qua đời. Để đi tới quyết định đầy nhân văn này, cô gái đã phải thuyết phục gia đình rất nhiều lần, vượt qua quan niệm chết toàn thây của dân làng và sự dị nghị của hàng xóm. Cuối cùng cô gái đã ra đi với tâm nguyện hiến tạng được gia đình hoàn thành. Cô gái bé nhỏ ấy đã truyền cảm hứng cho TS Giang một cách mạnh mẽ.

Các thành viên trong gia đình TS Đặng Hoàng Giang đều thống nhất hiến tạng. Tuy nhiên, với cô con gái nhỏ mới 11 tuổi vẫn còn chút băn khoăn. Điều này không khó hiểu bởi bé còn quá nhỏ. Giây phút điền vào bảng đăng ký hiến tạng khiến cô bé 11 tuổi phải nhìn thẳng vào cái chết. Trong tờ đơn đăng ký hiến tạng có 10 ô khác nhau, ba người trong gia đình đã đánh dấu vào tất cả mục có thể hiến được như xương, tủy, da, thận, gan, giác mạc... Riêng bé út đánh dấu vào các ô thận, tụỵ, gan, xương… rồi dừng lại ngần ngừ rất lâu ở ô tim. Mãi sau, cô bé cũng đánh dấu vào ô tim và đưa tờ đăng ký cho nhân viên trung tâm.

Thế rồi, cả nhà rất vui cầm tấm thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô tạng vì đã làm được một việc ý nghĩa.

Ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng, không hồi phục được. Hiện nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam hiện nay rất lớn. Cả nước hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép thận. Cả nước có khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc… Số lượng người hiến tạng tại Việt Nam lại ít và khan hiếm.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc cho biết: Bất kỳ ai từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không giới hạn giới tính, tín ngưỡng đều có quyền hiến tặng mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến sau khi chết, chết não và hiến xác. Pháp luật quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có quyền hiến mô, tạng bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết. (Điều 5 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác).

Như vậy, pháp luật không quy định bắt buộc phải có sự đồng ý của cha mẹ trong đơn đăng ký hiến tặng, tuy nhiên khuyến khích có sự đồng ý của gia đình vì trong trường hợp nếu đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não mà gia đình không biết sẽ khó khăn trong việc báo tin cho cơ sở y tế hoặc tránh sự phản đối của gia đình trong trường hợp hiến làm cho người muốn hiến không thực hiện được ý nguyện hiến tặng của mình.

Ông Phúc cũng nói rõ, với người hiến tặng mô/ tạng/ xác khi chết/ chết não toàn bộ các chi phí xét nghiệm trước lúc lấy tạng đều do cơ sở y tế chịu trách nhiệm. Thông tư 104 của Bộ Tài chính về vấn đề này cũng đã quy định người hiến sẽ được chi trả tiền mai táng sau đó. Hiến tạng khi đang sống (việc này ngành y tế không khuyến khích). Trên thực tế, việc hiến tặng 1 quả thận, 1 phần gan, 1 phần phổi…của 1 người khi còn sống thường là dành cho người ruột thịt trong gia đình.

Tất nhiên, trên thực tế, sẽ vẫn có những trường hợp tình nguyện hiến tặng thận cho người ngoài. Theo quy định của Luật hiện hành, những người hiến sẽ phải tự bỏ tiền ra làm các xét nghiệm. Vì sao có quy định này? Vì khi làm luật, những người xây dựng Luật cũng dự đoán về các tình huống và đề cập tới việc hạn chế thấp nhất việc trục lợi sự nhân văn của chính sách. Rất có thể, có người sẽ đăng ký hiến để được làm các xét nghiệm sức khỏe chuyên sâu và sau đó thay đổi không hiến tạng nữa. Nhưng theo ông Phúc, đây là một điểm chưa thực sự ổn của Luật bảo hiểm y tế liên quan đến vấn đề này.

Trong 5 năm qua, trung tâm đã tiến hành điều phối cho 5 trường hợp tự nguyện hiến tặng thận cho người ngoài. Với những trường hợp này, nếu theo đúng quy định, họ sẽ phải bỏ tiền ra làm hàng loạt các xét nghiệm chuyên sâu rồi mới hiến được thận.

Hà Lê