Tiềm năng thị trường
Theo số liệu tổng hợp từ Deloitte, Harvard, tốc độ tăng trưởng thị trường AI (trí tuệ nhân tạo) hàng năm trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, từ mức 19,7 tỉ USD năm 2024 dự kiến tăng trưởng lên 490,96 tỉ USD vào năm 2032.
Tại Việt Nam, theo số liệu của công ty chuyên nghiên cứu thị trường chăm sóc sức khỏe Insight10, thị trường AI trong chăm sóc sức khỏe của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng từ 0,03 tỉ USD năm 2022 lên mức 0,69 tỉ USD năm 2030.
Nhìn chung, AI có thể được ứng dụng sâu trong toàn bộ giai đoạn của khám chữa bệnh, giúp theo dõi và quản lý sức khỏe cá nhân, ngăn ngừa bệnh tật hiệu quả.
Trong chẩn đoán, AI phân tích dữ liệu và hình ảnh y khoa nhanh chóng, chính xác, hỗ trợ bác sĩ quyết định điều trị. Hệ thống AI cung cấp dịch vụ chăm sóc thông qua robot và giám sát từ xa, nâng cao chất lượng chăm sóc. Hơn nữa, AI còn giúp quản lý bệnh mạn tính với cảnh báo tự động, kế hoạch điều trị cá nhân hóa.
Tương lai số trong việc chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam
Việt Nam có nhiều cơ hội để triển khai AI trong ngành chăm sóc sức khỏe từ định hướng của Chính phủ, chỉ số sẵn sàng cho trí tuệ nhân tạo cao, số lượng người dùng Internet lớn cho đến việc có hơn 70 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, triển khai AI.
Thời gian qua, nhiều đơn vị tại Việt Nam đã áp dụng AI vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và đạt được nhiều kết quả.
Tại sự kiện FPT Techday 2024 đang diễn ra tại TPHCM, bà Nguyễn Đỗ Quyên - Phó Tổng Giám đốc, kiêm Giám đốc Điều hành FPT Retail - đã chia sẻ về hệ thống nhà thuốc và trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu, đã ứng dụng AI để nâng cao trải nghiệm đến 26 triệu khách hàng và thu được nhiều kết quả.
AI đã giúp người dùng nhận diện toa thuốc với độ chính xác 98%, nhắc nhở dùng thuốc tự động, nhắc nhở theo liệu trình điều trị.
Đơn vị cũng đã triển khai sổ tiêm chủng điện tử, không chỉ có thể theo dõi lịch tiêm của con em, mà còn có thể quản lý sổ tiêm chủng của cả gia đình...
Nhiều bệnh viện lớn của Việt Nam cũng đã ứng dụng AI trong nhiều khâu khám, điều trị, chăm sóc người bệnh.
Chẳng hạn, Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) đã ứng dụng mô hình CerviCare AI giúp chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung, giúp phát hiện sớm với độ chính xác lên đến 98%.
Bệnh viện Tâm Anh (Hà Nội) ứng dụng hệ thống chụp CT 768 là một kĩ thuật không xâm lấn, không gây đau đớn, sử dụng tia X liều thấp để tầm soát ung thư phổi. Hệ thống cho kết quả nhanh chỉ trong 3 - 4 giây, quét từng vùng cơ thể chỉ hơn 1 giây, thời gian chụp giảm hơn 70% so với thông thường.
Ngoài những cơ hội, tiềm năng, việc áp dụng AI trong chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức như cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện; chất lượng dữ liệu chưa đảm bảo, nhiều cơ sở y tế tại Việt Nam chưa có quy trình thu thập và quản lý dữ liệu đồng bộ, dẫn đến việc dữ liệu bị phân mảnh, thiếu chính xác, không đủ tin cậy; thiếu hụt nhân lực, kỹ năng cũng như hệ thống pháp lý chưa đồng bộ.