Đồng thời, Triển lãm quốc tế lần thứ 21 về nguyên phụ liệu ngành Dệt & May (VITATEX 2023), Triển lãm quốc tế về ngành Nhuộm và Hóa chất (DYECHEM 2023), Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp Da giày và nguyên phụ liệu (VFM 2023) cũng được diễn ra.
Bốn triển lãm lớn của ngành dệt may, da giày diễn ra đồng thời tại một địa điểm này đã thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp đến tham quan, tìm hiểu và cập nhật xu hướng mới trong ngành. Triển lãm quy mô hơn 830 gian hàng, của hơn 500 doanh nghiệp đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chuỗi sự kiện này giới thiệu nhiều máy móc công nghệ, giải pháp và xu hướng giúp nâng cao hiệu quả cho toàn bộ chuỗi sản xuất trong ngành dệt may, da giày tại Việt Nam, tập trung vào chủ đề số hóa nhà máy, với mục tiêu thúc đẩy ngành dệt may Việt Nam hiện đại hóa, số hóa trong năm 2023 và các năm tới.
Trước tình trạng thiếu hụt lao động gần đây, ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam đang từng bước tập trung vào tự động hóa và sản xuất số hóa như là một giải pháp quan trọng. VTG 2023 đã mời các nhà sản xuất thiết bị dệt may quốc tế nổi tiếng đến trình làng công nghệ tự động hóa tiên tiến, nhằm mục tiêu thúc đẩy chia sẻ kiến thức, củng cố khả năng dệt và cải thiện hiệu suất sản xuất hàng may mặc tổng thể.
Hai triển lãm còn lại là VitaTex và DYECHEM 2023 cũng mang đến các giải pháp về phụ kiện cùng công nghệ dệt nhuộm, hóa chất mới nhất cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, sự chuyển đổi theo hướng nhà máy thông minh đang được xem là phù hợp thực tiễn với cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc số hóa quốc gia.
Cùng với hoạt động trưng bày tại triển lãm còn có các hội thảo chuyên đề: Hành trình phát triển chuỗi cung ứng dệt may bền vững cùng Bluesign; Công nghiệp kéo sợi & Dệt may 4.0: Chuyển đổi để phát triển bền vững; Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp dệt may chuyển đổi xanh – Phát triển bền vững trong xu thế hội nhập; Dệt may: Xu thế bền vững và chuyển đổi số do nhiều diễn giả từ các Hiệp hội công nghiệp và doanh nghiệp uy tín chia sẻ.