Giá vàng trong nước, theo khảo sát vào lúc 7h30 sáng ngày 12.9, Tập đoàn DOJI niêm yết giao dịch giá vàng ở mức 56,15 - 56,55 triệu đồng/lượng ở 2 chiều mua vào và bán ra. Giữ nguyên giá cả hai chiều mua vào và chiều bán ra so với phiên sáng hôm qua. Chênh lệch giá hai chiều là 400.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,95 triệu đồng/lượng - 56,67 triệu đồng/lượng hai chiều mua vào - bán ra. Giảm 100.000 đồng ở cả hai chiều so với mở cửa phiên sáng hôm qua ngày 11.9. Chênh lệch giá mua – bán giữ nguyên ở mức 720.000 đồng/lượng.
Giá vàng thế giới, đóng cửa phiên cuối tuần ngày 12.9, giá vàng giao ngay đạt ngưỡng 1.940 USD/ounce theo Kitco, vàng giao tháng 12 giảm 0,82% xuống 1.948 USD, ghi nhận vào lúc 6h30 (theo giờ Việt Nam) hôm nay.

Vàng trượt giá vào phiên ngày thứ sáu 11.9, do không có thêm biện pháp kích thích từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và chính phủ Mỹ. Nhưng trong tuần, nhu cầu tìm vàng làm trú ẩn an toàn cao hơn vì lo ngại về khả năng phục hồi kinh tế.
Chốt phiên giao dịch ngày 11.9, vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.941 USD/ounce vào lúc 13h50 EDT. Giá vàng tương lai của Mỹ giảm 0,8% xuống 1.947 USD.
Như vậy, sau một thời gian giao dịch sôi động và giá biến động liên tục, mấy tuần gần đây các công ty vàng ít điều chỉnh giá bán vàng. Các giao dịch trên thị trường cũng giảm nhiệt theo giá vàng.
Điều đáng chú ý trên thị trường giai đoạn này là giá đã không ít lần bị “đánh bại” khi vừa chạm ngưỡng 1.960 - 1.970 USD/ounce, trong khi ở thời điểm đầu tháng 8, mốc 2.000 USD/ounce dễ dàng bị vượt qua.
Phần lớn các nhà đầu tư trước đó đều khá tin tưởng vào dự báo khả quan, cũng như đưa ra nhiều lý do thuyết phục bảo vệ xu hướng tăng giá của vàng như: USD giảm giá, lãi suất trái phiếu Mỹ thấp, việc bơm tiền để kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương nhằm cứu các nền kinh tế hậu COVID-19.