Mô hình nông lâm kết hợp đem lại nhiều ích lợi cho người trồng cà phê

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Trong khoảng 5 năm qua, mô hình nông lâm kết hợp khi thí điểm triển khai tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã đem lại nhiều ích lợi cho người nông dân trồng cà phê và góp phần phục hồi cảnh quan tại địa phương.

Ngày 15.12, tại tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới Việt Nam (Tropenbos Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo "Phục hồi cảnh quan ở Đắk Lắk - cơ hội và thách thức".

Thống kê của UBND tỉnh Đắk Lắk: Năm 2022, địa phương có tổng diện tích trồng cà phê là 212.912ha (chiếm 32,37% đất sản xuất nông nghiệp) với sản lượng lên đến 558.729 tấn (chiếm khoảng 1/3 sản lượng của cả nước). Sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh vẫn đang là cà phê và ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của đại đa số người dân.

TS. Nguyễn Thị Ngọc Quyên, Khoa Nông Lâm nghiệp – Trường Đại học Tây Nguyên - nhận định: Những năm qua, bà con nông dân đã phát triển ồ ạt, vượt quy hoạch, trồng ngoài vùng quy hoạch cà phê nhằm chạy theo năng suất. Một số nơi đã lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, canh tác độc canh cây cà phê tại vùng đất không phù hợp, nơi thiếu nước tưới dẫn tới chất lượng nông sản chưa mong muốn.

Ngoài ra, việc khai thác quá mức tài nguyên đất, nước thiếu khoa học có nguy cơ đe dọa đến phát triển bền vững loại nông sản này.

Các chuyên gia Tropenbos Việt Nam đánh giá cao mô hình nông lâm kết hợp. Ảnh: Bảo Trung
Các chuyên gia Tropenbos Việt Nam đánh giá cao mô hình nông lâm kết hợp. Ảnh: Bảo Trung

Theo các chuyên gia Tropenbos Việt Nam, trong quá trình triển khai mô hình nông lâm kết hợp đối với cây cà phê tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã thu được nhiều kết quả khả quan.

Ví như việc chuyển đổi sản xuất cà phê độc canh sang mô hình sản xuất đa dạng cây trồng, tăng khả năng tiết kiệm nước một cách đáng kể. Trong quá trình trồng xen canh cà phê với các loại nông sản khác, chất lượng cây trồng vẫn đảm bảo, người nông dân cải thiện thu nhập và đặc biệt là đất trồng được cải tạo khá tốt, môi trường cảnh quan được cải thiện....

Chính vì lẽ đó, Tropenbos Việt Nam đề xuất cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk phối hợp đẩy mạnh việc sản xuất cà phê trong mô hình nông lâm kết hợp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng trên thị trường.

Các địa phương quy định mã vùng trồng cho các mô hình cà phê nông lâm kết hợp, từ đó xem xét việc cấp chứng chỉ cà phê trong các mô hình này theo các tiêu chuẩn và giá thành sản phẩm cao hơn các mô hình cà phê trồng thuần có chứng nhận khác.

BẢO TRUNG