Không chỉ là sản phẩm tái chế
Từ năm 2018, các thành viên của Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng (Cormis) đã bắt đầu lên ý tưởng và thực hiện tái chế vải vụn thành các loại túi, ví, balo, tạp dề, khăn trải bàn...
“Không chỉ truyền cảm hứng cho cộng đồng trong việc giảm tiêu thụ và đưa ra các giải pháp thay đổi thói quen tiêu dùng không có lợi cho môi trường. Việc tái chế rác thải còn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người khuyết tật, tăng khả năng hòa nhập cộng đồng của anh chị em phụ nữ khuyết tật”, bà Mai Thị Dung, Giám đốc Cormis chia sẻ.
Theo bà Dung, trong thời gian qua, các thành viên của nhóm tái chế vải còn dạy sửa quần áo, hướng dẫn kỹ năng tái chế, làm sản phẩm tái chế cho du khách quốc tế và đón nhận được nhiều sự ủng hộ của các sinh viên nước ngoài.
Không những việc tái chế, sản xuất các sản phẩm thủ công từ vải thừa vậy còn giúp các anh chị em khuyết tật thu nhập từ 6 – 7 triệu đồng/tháng.
Chị Đặng Thị Mỹ Trinh, thành viên Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng Cormis kể, để thực hiện được một sản phẩm tái chế, đầu tiên phải thu gom rác, phân loại rác rồi làm sạch vệ sinh, tái chế theo đơn hàng hoặc nghiên cứu sản phẩm tái chế, kiểm tra chất lượng sản phẩm, điều chỉnh và giao đơn hàng cho các đơn vị đã đặt.
Thúc đẩy sự tham gia của người khuyết tật trong bảo vệ môi trường
Sáng 16.7, Hội Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng phối hợp Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng tổ chức chương trình Hội thảo tăng cường sự tham gia của người khuyết tật trong công tác bảo vệ môi trường.
Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin về các chương trình, đề án bảo vệ môi trường có sự tham gia của cộng đồng tại TP Đà Nẵng và các hoạt động tái chế rác thải vải của anh chị em khuyết tật, doanh nghiệp, trường học trên TP.
Ông Nguyễn Đình Phúc, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng cho biết, đối với Đà Nẵng công tác bảo vệ môi trường luôn được chú trọng. Trong thời gian qua có một số tổ chức doanh nghiệp tổ chức cho người khuyết tật thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.
Vì vậy các sở ban ngành cũng cần chú ý hơn để hỗ trợ cho người khuyết tật có thể cùng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường và tăng thu nhập cho mình.
Theo Hội Người khuyết tật TP Đà Nẵng, để thúc đẩy sự tham gia của người người khuyết tật trong công tác bảo vệ môi trường, cán bộ, hội viên người khuyết tật cần được bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nhận thức và thay đổi hành vi của bản thân về bảo vệ môi trường.
Đồng thời xây dựng và nhân rộng các phong trào, mô hình phù hợp, thiết thực và hiệu quả góp phần bảo vệ môi trường.