Zalo "tham chiến" cuộc đua “tất cả trong 1”: 100 triệu người dùng tạo lợi thế?

Thế Lâm |

Trên thị trường dịch vụ ứng dụng đặt xe hiện nay, Grab được biết đến với chiến lược “tất cả trong 1” (All-in-One). Trong khi đó, Go-Viet dù mới gia nhập thị trường này với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của đại gia Go-Jek của Indonesia cũng đã khẳng định xu hướng “đa dịch vụ”.

Với Grab, “tất cả trong 1” đã được thể hiện ở các dịch vụ di chuyển, giao hàng, giao thức ăn, thanh toán. Còn Go-Viet, từ ngày 1.8.2018 chính thức cung cấp dịch vụ di chuyển và giao hàng tại khu vực TP.HCM.

Cái tên ứng dụng thứ ba đi theo hướng “tất cả trong 1” hay “đa dịch vụ” không phải quá xa lạ, mà chính là Zalo. Zalo vừa cán mức 100 triệu người dùng và tại Việt Nam, đang là ứng dụng OTT về truyền thông (nhắn tin và gọi điện miễn phí) có nhiều người dùng nhất. Những năm qua, Zalo đã dần tích hợp các dịch vụ như: Bán hàng (shop), game, tin tức các lĩnh vực (Channel), dịch vụ công… Mới đây, người dùng Zalo còn phát hiện thấy ứng dụng này đã đưa vào thêm dịch vụ taxi.

Cái khác của dịch vụ taxi trên Zalo so với Grab là chỉ kết nối thuần túy giữa khách hàng với hãng taxi chứ không tham gia sâu vào quá trình cung cấp dịch vụ như Grab, và cũng chưa có nhiều loại hình như GrabCar, GrabBike. Tuy nhiên bên cạnh đó, Zalo hiện cũng đang thử nghiệm dịch vụ giao thức ăn tương tự như GrabFood hay Delivery, và trong tháng 8.2018 có thể tích hợp thêm các dịch vụ như book khách sạn (Travel), làm thẻ ngân hàng (Bank)…

Zalo cũng kết nối cuộc gọi đến các hãng taxi.
Zalo kết nối cuộc gọi đến các hãng taxi.

Trong ba ứng dụng đi theo hướng cung cấp đa dịch vụ với mô hình kinh doanh O2O (online to offline) kể trên, chỉ có Zalo là ứng dụng Việt, còn lại là ứng dụng đến từ nước ngoài được Việt hóa ở từng mức độ khác nhau.  Zalo từ lâu đã trở thành một nền tảng cung cấp các dịch vụ di động. Tuy nhiên trong trào lưu đang nở rộ mô hình kinh doanh dịch vụ O2O hiện nay, Zalo mới vừa cho thấy tham vọng lấn vào cả các dịch vụ như di chuyển, giao thức ăn và cung cấp các dịch vụ như đặt khách sạn, làm thẻ ngân hàng.

Lợi thế của Zalo trong hướng đi mới là có sẵn lượng người dùng trên 100 triệu, trong đó tỉ lệ người dùng tại “sân nhà” Việt Nam thậm chí còn nhiều hơn cả so với Facebook. Nhờ đó, khi tung ra dịch vụ mới Zalo có lợi thế dễ dàng sử dụng các công cụ để lan tỏa trong cộng đồng người dùng.

Nhưng song song đó cũng có thách thức. Thứ nhất là người dùng lâu nay chỉ quen với Zalo là ứng dụng chat và gọi điện, chính vì thế bản thân ứng dụng này phải quảng bá để thuyết phục được người dùng về mô hình “tất cả trong 1” của mình. Thứ hai, các đối thủ của Zalo trong “cuộc chiến” này đều có tiềm lực mạnh về tài chính và công nghệ đặc biệt là Grab khi liên tục gọi vốn được hàng tỉ USD. Thứ ba, khi triển khai các dịch vụ mới những đối thủ mà Zalo đụng đến đều đã ít nhiều khẳng định được thương hiệu trong lĩnh vực dịch vụ họ đang cung cấp.

Thế Lâm