Theo ban tổ chức, ĐBSCL có vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước với hai “trụ cột” kinh tế chính là nông nghiệp và thuỷ sản. Việt Nam có hơn 160 bảo tàng với nhiều cấp, nhiều chuyên ngành, trực thuộc nhiều bộ, ngành khác nhau, nhưng chưa có nơi nào xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp.
Chính vì thế, việc xây dựng một Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL mang ý nghĩa lớn với vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng - Không chỉ là nơi lưu giữ những nét đẹp văn hoá nông nghiệp và còn là nơi tôn vinh người nông dân Việt Nam trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Cuộc thi tuyển phương án ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL được tổ chức nhằm lựa chọn phương án tối ưu nhất để đầu tư xây dựng – tổ chức một Bảo tàng Nông nghiệp, làm cơ sở triển khai lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
Yêu cầu được đặt ra với các phương án dự thi như: Tìm phương án thiết kế ý tưởng công trình kiến trúc bảo tàng - Tạo dựng một thiết chế văn hoá quan trọng, xứng tầm với vai trò và vị thế của ngành nông nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Phát huy được những giá trị của di sản văn hoá nông nghiệp ở ĐBSCL; phục vụ nhu cầu du lịch, học tập, nghiên cứu khoa học, thụ hưởng văn hoá của công chúng và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp hiện nay ở ĐBSCL,…
Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng lên tới gần 2 tỉ đồng, gồm 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Ba, cuộc thi dành cho các đối tượng là các tổ chức, cá nhân uy tín trong lĩnh vực tư vấn thiết kế sáng tạo, hoạt động trong nước và quốc tế. Các phương án dự thi sẽ được trưng bày triển lãm và công bố kết quả giải thưởng vào tháng 10.2024.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của công trình. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL với yêu cầu được thiết kế và trưng bày hiện đại, tiếp cận theo xu hướng mới của các bảo tàng hiện đại trên thế giới – Đây sẽ là nơi tập hợp nhiều hiện vật và tư liệu nguyên bản, kèm theo những câu chuyện sống động, hấp dẫn về văn hoá, lịch sử Việt Nam.
Từ đó, bảo tàng sẽ trở thành địa điểm công cộng hấp dẫn, điểm nhấn về kiến trúc, điểm đến của du lịch, giải trí, học tập, nghiên cứu, các hoạt động văn hoá, sáng tạo.