Số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) vừa công bố cho thấy, trong tuần gần nhất là tuần 19 (tính từ ngày 6.5 đến ngày 12.5), trên địa bàn TPHCM ghi nhận 442 trường hợp bệnh tay chân miệng, tăng 1/4 so với trung bình 4 tuần trước, và tăng 103 ca so với tuần 18. Trước đó, trong tuần 18 (tính từ ngày 29.4 đến ngày 5.5.2024), TPHCM ghi nhận 339 ca bệnh tay chân miệng.
Và tuần 17 (tính từ ngày 22 đến ngày 28.4), TPHCM ghi nhận 309 trường hợp mắc bệnh.
Như vậy chỉ trong 3 tuần gần nhất (tính từ ngày 22.4 đến ngày 12.5), trên địa bàn TPHCM ghi nhận tổng cộng 1.090 ca bệnh tay chân miệng.
Tổng số ca bệnh tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 19 là 3.858 ca.
Theo HCDC, bệnh tay chân miệng là một bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh thường gia tăng trong giai đoạn từ tháng 3-5 và từ tháng 9-12. Bệnh tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa, qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (bắt tay, ôm, hôn), tiếp xúc với đồ chơi, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, bề mặt có chứa virus. Bệnh có khả năng lây lan nhanh, đặc biệt ở môi trường tập thể như mẫu giáo, trường học.
Khi mắc bệnh bệnh tay chân miệng, trẻ có các dấu hiệu đau họng, sốt nhẹ, quấy khóc, biếng ăn, tiêu chảy,... đặc biệt là nổi bóng nước. Nếu bóng nước ở trong miệng thì vỡ ra thành vết loét, còn bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông thì thường không bị vỡ ra và sau đó sẽ khô dần. Diễn tiến bệnh thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày, có thể nhiều hơn 10 ngày. Sau đó thì bóng nước có thể tự khô, tự ổn định và tự khỏi.
Khoảng trên 90% trường hợp trẻ mắc bệnh bệnh tay chân miệng có thể tự khỏi. Một số ít mắc bệnh có thể diễn tiến nặng dẫn đến biến chứng ảnh hưởng tới não bộ, thân não gây ra suy hô hấp; ảnh hưởng tới tim gây ra viêm cơ tim, suy tim, gây phù phổi cấp…
Do đó khi chăm sóc trẻ bệnh, người chăm sóc cần theo dõi kỹ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo trẻ chuyển bệnh nặng để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế.