Trong thời đại công nghệ số hiện nay, việc áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại vào quy trình quản lý, sản xuất, và phân phối đã trở thành yếu tố quyết định đến sự thành công và cạnh tranh trên thị trường.
Triển lãm lần này là cầu nối giúp các doanh nghiệp địa phương tiếp cận và áp dụng các giải pháp thương mại điện tử tiên tiến, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Hiện khu triển lãm có 46 gian hàng trưng bày của các doanh nghiệp cung cấp giải pháp thương mại điện tử như: Logistics, bán hàng trực tuyến, thanh toán không tiền mặt, sản xuất các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Định; sản phẩm các tỉnh thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên và tỉnh Đồng Nai.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho biết, địa phương rất hoan nghênh các doanh nghiệp cung cấp giải pháp kinh doanh thương mại điện tử lớn trên cả nước đã quy tụ về tỉnh. Trong đó có 6 doanh nghiệp kinh doanh sàn thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới; 6 doanh nghiệp cung cấp giải pháp thương mại điện tử, 2 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics xuyên biên giới; 1 đơn vị tư vấn pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử.
"Sự kiện lần này mang lại cơ hội giao lưu, kết nối giữa các doanh nghiệp trong hệ sinh thái kinh doanh thương mại điện tử, là dịp để các doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm đối tác, xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững. Tôi hy vọng sự kiện sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, nâng cao chất lượng và giá trị của các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tại khu vực", ông Hoàng nói.
Tại buổi lễ, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho biết, triển lãm các mô hình công nghệ trong thương mại điện tử và các sản phẩm đăng ký tham gia minh chứng cho tinh thần đổi mới, sáng tạo của các doanh nghiệp trong việc áp dụng các công nghệ vào kinh doanh, quản lý, và mở rộng thị trường.
"Đây cũng là cơ hội quý báu để các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng từ hơn 40 gian hàng của các địa phương thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên được giới thiệu tới đông đảo người tiêu dùng. Sự kết nối giữa công nghệ và sản phẩm địa phương sẽ tạo ra giá trị bền vững, góp phần nâng cao vị thế của các sản phẩm Việt trên bản đồ thương mại điện tử trong và ngoài nước", bà Oanh nhấn mạnh.