Cảnh báo nguy hiểm từ sử dụng bóng bay tại lễ khai giảng

TRẦN TUẤN |

Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa cảnh báo nguy hiểm khi sử dụng bóng bay bơm khí hydro tại lễ khai giảng.

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Hà Tĩnh, bóng bay bơm khí hydro với nhiều hình thù, màu sắc bắt mắt là món đồ trang trí thường được sử dụng trong dịp khai giảng năm học mới.

Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng, những quả bóng bay tưởng chừng như vô hại này tiếp xúc với nhiệt độ cao có thể phát nổ, gây hậu quả nghiêm trọng.

Khí hydro có kích thước phân tử rất nhỏ, có khả năng thẩm thấu qua màng bóng bay nhanh chóng. Ngoài ra, hydro là chất khí rất dễ cháy, chỉ cần một tia lửa hoặc tiếp xúc với nguồn nhiệt đủ cao cũng có thể gây ra phản ứng cháy nổ.

Khi bóng bay chứa khí hydro tiếp xúc với bóng đèn nóng, không khí nóng hoặc ánh nắng mặt trời, nhiệt độ có thể đủ cao để kích hoạt phản ứng, khiến nó phát nổ. Chưa kể, khi bóng nổ, nạn nhân có thể bị bỏng hoặc vô tình hít nhiều khí hydro, có thể bị lơ mơ, ói mửa, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong.

Để đảm bảo sử dụng bóng bay an toàn, loại trừ và giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy, nổ, rủi ro tai nạn, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an Hà Tĩnh đưa ra khuyến cáo cho các thầy cô, phụ huynh, học sinh cũng như cho người sử dụng, như sau:

Không nên sử dụng bóng bay bơm khí hydro. Thay vào đó, có thể sử dụng bóng bay bơm khí heli, do khí heli là khí không cháy, không độc và an toàn hơn so với khí hidro. Không hít khí từ bóng bay. Khí heli không độc nhưng có thể gây ngạt thở nếu hít quá nhiều.

Tiềm ẩn nguy hiểm khi sử dụng bóng bay. Ảnh: Hương Giang.
Tiềm ẩn nguy hiểm khi sử dụng bóng bay. Ảnh: Hương Giang.

Tránh để bóng bay tiếp xúc dưới ánh nắng mặt trời quá lâu, tránh tiếp xúc với nguồn nhiệt cao như bóng đèn, bếp lò và tránh xa các thiết bị phát tia lửa điện. Không để bóng bay gần nến, pháo hoa hoặc bất kỳ nguồn nhiệt nào có thể gây nổ.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về sự nguy hiểm của khí hydro và các biện pháp an toàn khi sử dụng bóng bay.

Giám sát trẻ em khi chơi với bóng bay để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ bóng bay nổ hoặc các mảnh vỡ có thể gây thương tích. Buộc chặt bóng bay vào dây hoặc vật nặng để tránh bóng bay bay mất và gây nguy hiểm trong các tình huống không kiểm soát được.

Cần trang bị đầy đủ các thiết bị phòng cháy chữa cháy; hướng dẫn cán bộ, giáo viên và học sinh về cách xử lý kịp thời các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố có thể xảy ra.

TRẦN TUẤN