Canh tác lúa giảm phát thải, nâng giá trị hạt gạo xuất khẩu

MỸ LY |

ĐBSCL – Canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp sẽ góp phần nâng cao giá trị và vị thế của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2024, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 7,75 triệu tấn, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước và trị giá đạt 4,86 tỉ USD, tăng 23,5%. Gạo của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường ASEAN với 5,6 triệu tấn, chiếm 72% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo đi các nước trên thế giới. Ảnh: Ngọc Lê
Trong 10 tháng đầu năm 2024, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 7,75 triệu tấn. Ảnh: Ngọc Lê

Đối với tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) – cho rằng, gạo Việt Nam là một thị trường tiềm năng so với các quốc gia khác trên thế giới.

Những yếu tố tạo nên sự tăng trưởng của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trước hết phải kể đến việc diện tích trồng lúa và sản lượng gạo ở nhiều quốc gia trên thế giới bị giảm do sự cực đoan của biến đổi khí hậu. Thứ hai là việc cơ cấu lại ngành hàng lúa gạo, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ, ngành để thay đổi phương thức sản xuất, tiêu chí, tiêu chuẩn liên quan chất lượng lúa gạo Việt Nam, mà cụ thể là Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án). Đề án sẽ giúp ngành hàng lúa gạo Việt Nam nâng cao giá trị và vị thế của gạo Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ). Ảnh: Mỹ Ly
Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ). Ảnh: Mỹ Ly

Là doanh nghiệp có đến 8 loại gạo đã xuất khẩu đi quốc tế, ông Bình nhận định, xu hướng của người tiêu dùng trong và ngoài nước hiện nay đối với mặt hàng lương thực thực phẩm là an toàn vệ sinh. Tham gia Đề án là thực hiện các tiêu chí để đáp ứng tiêu chuẩn đó.

“Đề án vừa nâng cao giá trị hạt gạo, còn làm giảm phát thải khí nhà kính. Có nghĩa là sắp tới đây, thương hiệu gạo Việt Nam sẽ gắn thêm mác cacbon thấp. Đây rõ ràng là gắn thêm trách nhiệm bảo vệ môi trường của người sản xuất trong hạt gạo. Điều đó sẽ góp phần nâng cao giá trị của gạo Việt Nam. Ngành hàng lúa gạo Việt Nam sẽ có lợi thế so với một số quốc gia khác trên thế giới”, ông Bình nói.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) – nhận định, dù có nhiều thuận lợi như năng suất và giống tốt, chi phí sản xuất tương đối nhưng giá bán gạo của Việt Nam vẫn không được cao do mặt bằng giá của các loại gạo tham gia vào thương mại thị trường thế giới cũng chỉ ở mức đó. Nếu muốn giá cao hơn đòi hỏi phải có điểm mới mà ở đây là phương pháp canh tác tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Điều đó còn hơn tất cả giấy chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thu hoạch lúa trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Tạ Quang
Thu hoạch lúa trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Tạ Quang

Theo ông Tùng, giảm phát thải tuy không thay đổi chất lượng lúa gạo nhưng có tác động đến giá trị lúa gạo. Người tiêu dùng thấy được trách nhiệm của người sản xuất đối với môi trường, đối với những gì mà toàn cầu đang quan tâm thì khi đó, giá trị gạo có thể được nâng cao.

Đó cũng chính là mục tiêu của các mô hình thí điểm Đề án. Từ các mô hình này sẽ nhân rộng ra cho sản xuất 1 triệu ha hoặc thậm chí cho toàn diện tích canh tác lúa của ĐBSCL và cũng có thể cho toàn bộ Việt Nam. Đó là tiếng nói của lúa gạo Việt Nam hay một định hướng mới làm cho giá trị lúa gạo Việt Nam tăng lên.

MỸ LY