Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm

DIỆU ANH |

Ninh Bình - Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình vừa ban hành kế hoạch thực hiện đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Theo đại diện lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình, càng gần cuối năm, thị trường hàng hoá có mức luân chuyển tương đối lớn do nhu cầu của người dân có xu hướng tăng cao. Đây cũng là thời điểm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có nhiều diễn biến phức tạp.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình, Tổng cục Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Ninh Bình, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 641/KH-QLTTNB về thực hiện đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023. Đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Trong đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024.

Các đội quản lý thị trường địa bàn tỉnh Ninh Bình sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường. Trong đó, tập trung vào các nhóm hàng có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp cuối năm như: sữa chế biến, bánh kẹo, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, pháo nổ, pháo hoa các loại... Đặc biệt tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.

Đội Quản lý thị trường Cơ động phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hoá, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, làng nghề, các tuyến đường bộ, đường sắt... xác định rõ tuyến, địa bàn trọng điểm, các nơi tập kết, bốc xếp vận chuyển hàng hoá vi phạm.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình thực hiện đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và nhân dân. Đồng thời, vận động các hộ sản xuất, kinh doanh ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và thông báo đường dây nóng để nhân dân phát giác các hành vi vi phạm.

DIỆU ANH