Huyện đầu tiên của tỉnh Kiên Giang diễn tập Phòng thủ Dân sự

NGUYÊN ANH |

Cuộc diễn tập được tổ chức tại khu vực cảng Xẻo Nhàu (huyện An Minh, Kiên Giang) đây là cuộc diễn tập có quy mô lớn.

Ngày 30.8, tại huyện An Minh đã tổ chức khai mạc diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Đây là huyện đầu tiên tổ chức diễn tập Phòng thủ Dân sự của tỉnh Kiên Giang.

Cuộc diễn tập có đề mục: “Lực lượng vũ trang phối hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân huyện An Minh thực hành phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn”.

Đây là cuộc diễn tập có quy mô lớn, với sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang huyện An Minh và xã Tân Thạnh cùng các lực lượng phối hợp gồm các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn.

Cuộc diễn tập gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Tổ chức chuẩn bị ứng phó với bão và giai đoạn 2 thực hành ứng phó với bão.

Diễn tập cũng thể hiện trình độ tổ chức chỉ huy, khả năng hoàn thành nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của lực lượng vũ trang địa phương. Ảnh: Phương Vũ
Diễn tập cũng thể hiện trình độ tổ chức chỉ huy, khả năng hoàn thành nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của lực lượng vũ trang địa phương. Ảnh: Phương Vũ

Phát biểu khai mạc cuộc diễn tập đại tá Nguyễn Văn Ngành, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ và phòng thủ dân sự cấp huyện nhấn mạnh, cuộc diễn tập lần này có ý nghĩa rất quan trọng, là bước tập dợt, kiểm tra, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền; vai trò phối hợp làm tham mưu của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị. Trình độ tổ chức chỉ huy, khả năng hoàn thành nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của lực lượng vũ trang địa phương.

Đại tá Nguyễn Văn Ngành cũng yêu cầu các lực lượng tham gia diễn tập phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ diễn tập. Trong thực hành xử lý các tình huống phải thực hiện đúng trình tự các bước; tổ chức, chỉ huy hiệp đồng chặt chặt chẽ; bám sát phương châm “4 tại chỗ”, xử lý tình huống linh hoạt, sát thực tế.

An Minh có chiều dài bờ biển gần 37 km, là huyện thường xuyên chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu, các loại hình thiên tai cực đoan như áp thấp nhiệt đới, bão, dông lốc, triều cường dâng, xâm nhập mặn… Tuy địa phương đã chủ động nắm những diễn biến của thời tiết nhưng do đặc điểm tự nhiên, địa hình, thiên tai vẫn gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân, nhất là những hộ dân thuộc địa bàn 6 xã ven biển là Thuận Hòa, Tân Thạnh, Đông Hưng A, Vân Khánh Đông, Vân Khánh và Vân Khánh Tây.

NGUYÊN ANH