Kiên Giang cần cơ chế để phát triển nghề nuôi biển bền vững

NGUYÊN ANH |

Kiên Giang là tỉnh có vị trí trọng điểm đối với nghề cá ĐBSCL và cả nước, ngành thủy sản đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên việc xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển còn chậm, hạn chế.

Ngày 28.6, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức hội thảo giải pháp phát triển nuôi biển tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho hay, đến năm 2025 tỉnh dự kiến sẽ có 7.500 lồng nuôi, tương đương với sản lượng gần 29.900 tấn. Diện tích nuôi biển ven bờ khoảng 25.500ha, sản lượng hơn 83.800 tấn tập trung tại các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên, An Minh, Kiên Hải, TP Phú Quốc và TP Hà Tiên. Để phục vụ phát triển nuôi biển, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thiết yếu cho các vùng nuôi biển tập trung để thu hút đầu tư vào phát triển nuôi biển.

Trước đó, ngày 27.6, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị về thực trạng và định hướng phát triển nghề nuôi biển tỉnh Kiên Giang đến năm 2030.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết, nghề nuôi biển của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do quy hoạch không gian biển Quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ chưa được phê duyệt và thủ tục giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải xin ý kiến nhiều bộ, ngành nên công tác triển khai giao khu vực biển còn nhiều vướng mắc. Việc xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển còn chậm. Hạ tầng phục vụ nuôi biển hiện nay vừa yếu vừa thiếu còn nhiều hạn chế…

Kiên Giang là tỉnh có vị trí trọng điểm đối với nghề cá ĐBSCL và cả nước, thời gian qua, ngành thủy sản đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2023, giá trị sản xuất thủy sản đạt trên 33.200 tỉ đồng, giá trị xuất khẩu thủy sản hơn 233 triệu USD; thủy sản đóng góp vào cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp tỉnh chiếm hơn 50%.

Tại hội thảo giải pháp phát triển nuôi biển tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp đã cùng thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp. Các đại biểu thảo luận về những kỹ thuật nuôi hiện đại, nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để ứng dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất, đề xuất, kiến nghị để phát triển nuôi biển theo hướng bền vững. Kêu gọi đầu tư về giống, thức ăn và tổ chức dự án nuôi thí điểm để nhân rộng mô hình hiệu quả; Thực hiện liên kết trong chuỗi sản xuất nuôi biển, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, chọn đối tượng thủy sản nuôi phù hợp với điều kiện môi trường và gắn với phát triển du lịch. Tập trung nguồn lực đầu tư vùng nuôi biển, đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu, kỹ thuật...

Năm 2023, nuôi cá lồng trên biển đạt 3.870 lồng, sản lượng thu hoạch 3.910 tấn. Ảnh: Xuân Nhi
Năm 2023, nuôi cá lồng trên biển đạt 3.870 lồng, sản lượng thu hoạch 3.910 tấn. Ảnh: Xuân Nhi

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Nhàn cho rằng, để đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ nêu trên sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế cần được giải quyết. Những ý kiến phát biểu thảo luận thật sự hữu ích để tỉnh tiếp thu, nghiên cứu, xây dựng những giải pháp phù hợp phát triển nuôi biển ổn định, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để phấn đấu đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đề án đề ra.

Tỉnh cũng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn thường xuyên của Bộ NNPTNT, Cục Thủy sản; sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, nhà khoa học; sự chung sức, đồng hành của các doanh nghiệp và ngư dân nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

NGUYÊN ANH