Lần đầu các tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm được giới thiệu ở Đà Lạt

Mai Hương |

Triển lãm "Đối thoại về thời gian" giới thiệu các tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - một trong tứ trụ của mỹ thuật Đông Dương tới công chúng Đà Lạt sẽ diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội Âm nhạc cổ điển Đà Lạt 2024.

Đây là lần đầu tiên các tác phẩm của danh họa Đông Dương Nguyễn Tư Nghiêm triển lãm tại Đà Lạt. Triển lãm sẽ đi kèm với hai buổi biểu diễn âm nhạc cổ điển trong không gian trưng bày, xét như sự đối thoại trực tiếp với các tác phẩm của danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm.

Một buổi vào ngày khai mạc triển lãm, một buổi vào ngày kết thúc triển lãm.

Trong khuôn khổ khai mạc triển lãm, hai nghệ sĩ tài năng Trần Lê Bảo Quyên và Trần Lê Quang Tiến từ Đức trở về Việt Nam sẽ trình diễn các tác phẩm Âm nhạc cổ điển song hành với tranh, nhằm mang đến cho khán cơ hội thưởng ngoạn vẻ đẹp của đối thoại Đông - Tây, của bột màu, giấy dó mỏng manh, sâu sắc với cấu trúc chặt chẽ và đồ sộ của Âm nhạc phương Tây.

Trong khuôn khổ bế mạc triển lãm, nghệ sĩ nổi tiếng đến từ Đức - Tim Allhoff sẽ mang đến các tác phẩm Âm nhạc cổ điển vô cùng đặc biệt trong đối thoại cởi mở giữa một nền tảng jazz mạnh mẽ đầy phóng khoáng với tính khuôn khổ và chính xác của Âm nhạc cổ điển.

Triển lãm giới thiệu các tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội Âm nhạc cổ điển Đà Lạt 2024. Ảnh: Mai Hương
Triển lãm giới thiệu các tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội Âm nhạc cổ điển Đà Lạt 2024. Ảnh: Mai Hương

Cuộc đối thoại này sẽ mở ra những góc nhìn so chiếu thú vị cho khán giả để thấy được vẻ đẹp của sức sáng tạo trong Âm nhạc nói chung và Âm nhạc cổ điển nói riêng.

Các bức tranh 12 con giáp được tuyển lựa lần này lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng từ bộ sưu tập riêng của Pianist Trần Lê Bảo Quyên, cháu ruột của Nhà văn Nguyễn Tuân (cha của bà Thu Giang, vợ danh họa Nguyễn Tư Nghiêm).

Triển lãm không chỉ để tạo ra một không gian thẩm mỹ, mà đặc biệt là để tạo ra một không gian đối thoại liên văn hóa và liên nghệ thuật về các chủ đề triết học, văn hóa thị giác và con người, nằm xa hơn lĩnh vực thẩm mỹ.

Trong triển lãm này, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm không xuất hiện như một bậc thầy quá khứ, mà hiện diện ở chính trong hiện tại, và bằng tư tưởng và các cách đặt vấn đề thị giác của ông- truy vấn các vấn đề văn hóa và con người của hiện tại.

Triển lãm mong muốn đề xuất một góc nhìn giám tuyển mới về các bậc thầy quá khứ mà ở đó, họ không chỉ là các đối tượng thuộc quá khứ, mà còn có giá trị đương đại bền vững trong mối quan tâm và những đối thoại chưa bao giờ ngừng nghỉ nơi các tác phẩm của họ về con người và vì con người.

Mai Hương