Lo ngại cháy, nổ từ các bãi sửa chữa tàu thuyền truyền thống

DUY TUẤN |

Bình Thuận là một trong 3 ngư trường lớn của cả nước với hơn 7.000 tàu cá các loại. Hàng năm, nhu cầu sửa chữa tàu thuyền rất lớn, trong khi đó tại các bãi sửa chữa tàu thuyền truyền thống thì quy định về phòng cháy, chữa cháy chưa chi tiết dẫn đến nhiều lo ngại cháy, nổ như vụ cháy 11 tàu cá vừa qua.

Tháng 12.2023, 11 tàu cá đang sửa chữa, neo đậu tại Công ty TNHH Sửa chữa và đóng tàu Phan Thiết tại phường Phú Hài, TP Phan Thiết cháy rụi gây thiệt hại 40 tỉ đồng.

Sau vụ cháy, chính quyền địa phương đã tiến hành rà soát, qua đó phát hiện đối với các bãi sửa chữa tàu thuyền truyền thống chưa có quy định chi tiết về phòng cháy chữa cháy.

Vụ cháy 11 tàu thuyền ở Phan Thiết vào chiều 7.12.2023 nhìn từ trên cao. Ảnh: NDCC
Vụ cháy 11 tàu thuyền ở Phan Thiết vào chiều 7.12.2023 nhìn từ trên cao. Ảnh: NDCC

Theo ghi nhận, tại các bãi sửa chữa tàu thuyền thì khoảng cách giữa các tàu hẹp. Trong khi các tàu cá lên ụ sửa chữa còn chứa nhiều dầu, vật liệu dễ cháy. Còn tại khu vực sửa chữa hầu hết không được trang bị thiết bị PCCC. Do đó, khi xảy ra cháy rất dễ cháy lan và khó khống chế được ngọn lửa.

Rào dây phong toả khu vực các tàu thuyền bị cháy hồi tháng 12.2023. Ảnh: Duy Tuấn
Rào dây phong toả khu vực các tàu thuyền bị cháy hồi tháng 12.2023. Ảnh: Duy Tuấn

Ông Trần Duy Minh - chủ cơ sở sửa chữa tàu thuyền Minh Hùng ở TP Phan Thiết - cho biết, bài học rút ra từ vụ cháy vừa rồi là khi đưa các ghe thuyền khi lên trại sửa chữa phải nói các chủ phương tiện rút hết dầu và phối hợp làm sao đảm bảo an toàn PCCC.

Nguy cơ cháy tại các cơ sở sửa chữa và đóng tàu rất cao nhưng hiện tại chỉ trông chờ vào sự cẩn trọng của các thợ sửa tàu. Bởi chỉ cần một chút sơ suất nhỏ là lửa bốc cháy, như vụ cháy 11 tàu cá vừa qua là nhóm thợ trong quá trình hàn ống bô tàu làm muội hàn bắn vào dầu máy dưới sàn hầm máy dẫn đến cháy.

Đống đổ nát dưới nền đất giữa các tàu bị cháy hồi tháng 12.2023. Ảnh: Duy Tuấn
Đống đổ nát dưới nền đất giữa các tàu bị cháy hồi tháng 12.2023. Ảnh: Duy Tuấn

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH công an tỉnh Bình Thuận, với các cơ sở loại hình này nên đưa vào diện quản lý về PCCC và cần có hướng dẫn chi tiết phương tiện chữa cháy vì nguy cơ cháy rất cao. Và khi xảy ra cháy, chữa cháy mới nhận ra là dễ cháy và cần rất nhiều chất chữa cháy.

Theo thống kê, hiện tỉnh Bình Thuận có 24 cơ sở sửa chữa, đóng tàu thuyền trong đó chỉ có 1 cơ sở đủ điều kiện nằm trong diện quản lý Phòng cháy chữa cháy, còn lại 23 cơ sở là bãi sửa chữa nhỏ chưa có quy định về phòng cháy chữa cháy.

DUY TUẤN