Mưa lũ bất thường, một số địa phương Đà Nẵng còn bị động

THÙY TRANG |

Một trong những tồn tại trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại TP Đà Nẵng là một số chính quyền địa phương xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai, nhất là phương án sơ tán khi mưa lớn, ngập lụt chưa thật sự chính xác, phù hợp thực tế và còn bị động.

Ngày 22.3, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Ông Phan Văn Mỹ - Phó Giám Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng - cho biết, năm 2023, tổng lượng mưa tại thành phố phổ biến xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm, đạt khoảng 90-130%, riêng một số nơi vùng đồng bằng ven biển ở ngưỡng cao hơn trung bình nhiều năm và đạt khoảng 130-160%.

Trong đó, tháng 2.2023 thành phố có lượng mưa cao hơn khá nhiều so với trung bình nhiều năm, đạt khoảng 150-350%, nhiều tháng tại thành phố có lượng mưa phổ biến xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm, đạt khoảng 90-140%, riêng tháng 10 có nơi đạt 150-250%.

Trong năm, tại thành phố đã xảy ra 6 đợt mưa lớn diện rộng, 2 đợt mưa lớn cục bộ và 1 ngày mưa lớn. Trong tháng 10.2023, Đà Nẵng có 2 đợt sơ tán người dân với hơn 9.000 người.

Mặc dù không có thiên tai bão lũ lớn, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã có những thành quả nhất định sau khi rút kinh nghiệm từ năm 2022, tuy nhiên ông Mỹ cho biết, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần phải khắc phục.

Bởi, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, không theo quy luật, mức độ nguy hiểm ngày càng có chiều hướng gia tăng gây khó khăn trong công tác theo dõi, dự báo, cảnh báo.

Trong khi đó, một số chính quyền địa phương xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống chống thiên tai (nhất là phương án sơ tán, đảm bảo an toàn cho nhân dân) chưa thật sự chính xác, phù hợp thực tế và còn bị động, thiếu sâu sát, không kiên quyết trong công tác sơ tán dân và chưa vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất trong công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

s
Công tác sơ tán người dân tại một số địa phương bị đánh giá là chưa chủ động, kịp thời. Ảnh: Nguyên Thi

Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã được thành lập để xử lý, ứng cứu ngay từ đầu, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, tuy nhiên đa số chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, phương tiện.

Việc xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai ở một số địa phương còn chưa sát với thực tế, chưa kịp thời điều chỉnh, cập nhật nên trong quá trình xây dựng phương án còn nhiều vấn đề tồn tại, chưa chính xác, phù hợp thực tế như về khu vực cần sơ tán, địa điểm cần sơ tán, số hộ, số khẩu cần sơ tán, bản đồ sơ tán, mức độ, phạm vi ảnh hưởng của từng kịch bản thiên tai…

Công tác khắc phục hậu quả thiên tai (đối với các công trình) vẫn phải thực hiện theo quy trình xây dựng cơ bản, Luật Đầu tư công… nên thường hay bị chậm trễ trong việc khắc phục, thông thường phải qua năm sau mới đầu tư, khắc phục, sửa chữa.

Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại khu vực trung tâm thành phố được xây dựng từ lâu và hiện nay đã xuống cấp; một số đoạn thường xuyên tắc nghẽn, không còn khả năng thoát nước...

Việc lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội và đầu tư cơ sở hạ tầng của một số ngành, địa phương chưa được tốt.

Một số dự án giao thông, khu đô thị, cơ sở hạ tầng cắt ngang tuyến thoát lũ, lấn sông, chưa quan tâm, tính toán kỹ càng về vấn đề thoát lũ, chống ngập lũ, hệ thống cống thoát… nên có khả năng gây cản trở hoặc gây co hẹp dòng chảy lũ, làm gia tăng nguy cơ rủi ro của thiên tai như: đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường ADB5 Hòa Tiến - Hòa Phong, đường Vành đai phía Nam Hòa Phước - Hòa Khương, đường Mẹ Suốt, các hệ thống thoát từ khu vực Sân bay Đà Nẵng ra các tuyến thoát chính…

THÙY TRANG