Người dân Đà Nẵng phân loại rác thải để gây quỹ, hỗ trợ người khó khăn

Nguyễn Linh |

Từ năm 2022 đến nay, người dân tại các khu dân cư ở quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn, quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đã cùng nhau chung tay phân loại rác thải nhựa, vỏ lon và pin để gây quỹ duy trì hoạt động của hội, đội, nhóm và hỗ trợ các trường hợp khó khăn.

Gây quỹ từ rác tái chế

Theo bà Nguyễn Thị Liên, từ năm 2022 khi bà còn làm tổ trưởng tổ dân phố, người dân khu dân cư Mân Lập Đông 5 (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã tổ chức các hoạt động phân loại rác thải, thu gom vỏ lon chai nhựa để gây quỹ trong các khu dân cư.

“Các chi hội như Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ ở khu dân cư thường tổ chức thu gom, tập kết rác tái chế để gây quỹ. Sau vài tháng, các thành viên sẽ sử dụng quỹ này để thực hiện các chương trình tri ân cội nguồn, khuyến học..”, bà Nguyễn Thị Liên nói.

Người dân ở khu dân cư Mân Lập Đông 5 cho biết, dù phân loại rác thải là hành động nhỏ nhưng khi trở thành thói quen sẽ giúp môi trường sống xung quanh trở nên sạch sẽ, đảm bảo mỹ quan đô thị. Đồng thời còn tạo quỹ giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn như cụ già, mẹ đơn thân.

Khu vực tập kết rác thải tái chế. Ảnh: Nguyễn Linh
Khu vực tập kết rác thải tái chế. Ảnh: Nguyễn Linh

Tại quận Thanh Khê, chi bộ khu dân cư Thuận An 5 đã phối hợp với người dân cùng nhau đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng giỏ nhựa hàng ngày.

Đặc biệt, việc phân loại rác thải tại nguồn cũng được thực hiện triệt để, trở thành điểm sáng để khác khu dân cư khác noi theo.

Mỗi năm số tiền thu được từ việc bán các loại rác tái chế được như giấy, vỏ lon, chai nhựa là 8-9 triệu đồng, có những năm còn tăng lên 10 triệu đồng.

Số tiền này được sử dụng để chăm lo cho những học sinh, sinh viên có hoàn cách khó khăn vượt khó học tập. Ngoài ra còn dùng một phần số tiền này để chăm lo cho con em của những người thu gom rác thải hằng ngày.

Đặt mục tiêu 95% tổ dân phố thực hiện phân loại rác thải

Trong tháng 4 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đề ra mục tiêu trên 95% tổ dân phố triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và 90% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả tại địa bàn khu dân cư.

TP Đà Nẵng còn đề ra kế hoạch gồm các chỉ tiêu cụ thể như trên 70% cơ sở trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, du lịch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đảm bảo theo phương thức chung của thành phố.

100% trường học, cơ sở y tế, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được tuyên truyền, hướng dẫn và thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Mỗi quận, huyện chủ trì xây dựng phương án chi tiết, triển khai thí điểm mô hình phân loại, thu gom đối với Nhóm chất thải thực phẩm.

Theo kế hoạch, phân loại chất thải rắn sinh hoạt được phân thành 3 nhóm, nhóm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, nhóm chất thải thực phẩm (gồm thực phẩm nhà bếp trước và sau sơ chế, chế biến, thực phẩm thừa, quá hạn sử dụng, dầu thải,...) và chất thải rắn sinh hoạt khác.

Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt được triển khai thực hiện trên toàn địa bàn thành phố.

Trong đó, triển khai quy mô đồng bộ toàn thành phố đối với các nhóm: phân loại chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái sử dụng, tái chế đối với các loại giấy, nhựa, kim loại, phân loại chất thải rắn sinh hoạt khác nguy hại và phân loại chất thải rắn sinh hoạt khác còn lại.

Nguyễn Linh