Thanh niên Hải Dương hỗ trợ ngư dân trong vụ cá lồng chết hàng loạt

Hoàng Khôi |

Thông tin từ Tỉnh đoàn Hải Dương, trong ngày 7.4, đoàn viên, thanh niên TP.Hải Dương và Trường đại học Hải Dương đã có mặt tại TP.Hải Dương, hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng trong vụ cá chết hàng loạt.

Theo đó, những ngày qua, hiện tượng cá lồng chết hàng loạt tại địa bàn các xã Nam Đồng, Tiền Tiến... (TP.Hải Dương) khiến bà con nông dân bị thiệt hại nặng nề, gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, phân hủy.

Do vậy, trong ngày 7.4, hơn 50 đoàn viên, thanh niên TP.Hải Dương chung tay, giúp đỡ bà con xử lý số lượng cá, trục vớt cá chết để giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho khu vực. Ngoài ra, đoàn viên, thanh niên cũng thăm hỏi, động viên tinh thần bà con ngư dân nhanh chóng khắc phục sự cố này.

Trước đó, như Lao Động đưa tin, những ngày qua có hiện tượng cá chết tại một số điểm nuôi lồng trên sông Thái Bình (TP.Hải Dương). Khối lượng cá chết đến nay khoảng 300 tấn cá.

Thanh niên hỗ trợ người dân trục vớt cá chết. Ảnh: Thành đoàn Hải Dương
Thanh niên hỗ trợ người dân trục vớt cá chết. Ảnh: Thành đoàn Hải Dương

Trước tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xác định các nguyên nhân gây chết cá. Đồng thời, tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình nuôi cá lồng trên sông; hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục tình trạng cá chết.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản về chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản. Theo đó, đối với cá nuôi lồng bè trên sông, các địa phương và hộ dân theo dõi sát dự báo thời tiết để ứng phó với những thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, thường xuyên quan sát nước vùng nuôi và cá nuôi, khi thấy nước đục, cá kém ăn hoặc bơi chậm, nhao lên mặt nước cần có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường oxy và đảo nước. Khi mực nước trên sông giảm, cần hạ thấp lồng nuôi để bảo đảm độ sâu luôn ở mức 2,5-3 m nhằm giảm sự tác động của nhiệt độ cao, đồng thời thực hiện sát khuẩn để phòng bệnh.

Các hộ tiến hành thu khi cá nuôi đạt kích cỡ thu hoạch, hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày. Cùng với đó, thường xuyên vệ sinh lồng bè sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông trong và ngoài lồng nuôi, nhằm tăng cường oxy hòa tan trong nước, giảm vật bám, chất bẩn ở trong lồng nuôi...

Hoàng Khôi