Tọa đàm hướng tới kỷ niệm Ngày truyền thống ngành lưu trữ Việt Nam (ngày 3.1), đồng thời mong muốn kết nối chặt chẽ hơn nữa giới trẻ với tài liệu lưu trữ và di sản.
Khách mời tham gia tọa đàm là các chuyên gia trong lĩnh vực lưu trữ, giáo dục, quản lý di sản, nhằm chia sẻ rộng rãi các quan điểm, góc nhìn về tài liệu lưu trữ trữ nói chung và di sản tư liệu thế giới nói riêng.
Thay đổi cách tiếp cận di sản
Phát biểu tại sự kiện, ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thu và Lưu trữ nhà nước nhấn mạnh: "Chúng ta đang ở thời khắc của sự thay đổi về tiềm thức, tư duy, cách tiếp cận với di sản nói chung và di sản tư liệu nói riêng".
Theo ông Đặng Thanh Tùng, tài liệu lưu trữ, trong đó có di sản tư liệu bắt đầu được xã hội nói chung và giới trẻ nói riêng - những người quan tâm đến lịch sử, văn hóa, truyền thống của dân tộc mong muốn được tiếp cận. Đó là nguồn động lực lớn lao đối với những người giữ trọng trách bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản, trong đó có di sản tư liệu.
Là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý nhiều phông và khối tài liệu, tư liệu đặc biệt quý hiếm, trong những năm qua, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã tích cực thực hiện các hoạt động nhằm giới thiệu rộng rãi những di sản tư liệu nói trên đến với đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Tại tọa đàm, khách mời gồm nhiều bạn trẻ là sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội được tham gia trò chơi thú vị, giúp hiểu sâu hơn về khái niệm tài liệu lưu trữ và vai trò của lưu trữ tài liệu trong đời sống.
Tiến sĩ Cao Minh Tuấn - Trưởng khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng trường Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân văn cho biết, nếu như trước kia, tài liệu lưu trữ truyền thống chủ yếu là các tài liệu giấy có giá trị, ý nghĩa được lựa chọn và lưu lại, thì ngày nay, giới trẻ có quyền tự tạo lập các di sản, tài liệu của chính mình và lưu trữ theo cách riêng, qua việc cất giữ, đăng tải trên Facebook, bộ nhớ điện thoại, email...
Với quan điểm đó, giới trẻ phải có trách nhiệm với tất cả những gì mình viết ra, lưu trữ lại hay chia sẻ.
Để di sản thu hút giới trẻ
Từ việc thay đổi cách tiếp cận, các đơn vị, cơ quan quản lý di sản, tài liệu lưu trữ đặt mục tiêu thu hút công chúng, đặc biệt là giới trẻ đến tham quan, tìm hiểu.
Bà Trần Thị Mai Hương - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 chia sẻ: "Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 đang lưu trữ những khối tài liệu đặc biệt có giá trị của cha ông để lại, trong đó có những tài liệu đã trở thành di sản thế giới.
Hiện nay, chúng tôi đang vừa làm, vừa lắng nghe xem xã hội cần gì. Tài liệu lưu trữ phải có giá trị trong cuộc sống, đã và đang đi vào cuộc sống".
Để thu hút ngày càng nhiều công chúng và giới trẻ ghé thăm, Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1 sẵn sàng để trở thành 1 điểm đến văn hóa, phối hợp tổ chức các chương trình, sự kiện văn hóa, mong muốn qua lưu trữ để đem đến những câu chuyện về văn hóa một cách chính xác, hấp dẫn nhất.
Bà Đường Ngọc Hà - Trưởng phòng giáo dục truyền thông,Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, để thu hút khách tham quan, hàng năm, Văn Miếu tổ chức các triển lãm, trưng bày nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
"Thay vì trưng bày những tư liệu, diễn giải bằng chữ như trước đây, chúng tôi thay đổi bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại, kể những câu chuyện hấp dẫn, thú vị nhưng vẫn mang giá trị lịch sử cao, dễ tiếp cận du khách", bà Đường Ngọc Hà nói.
Bên cạnh đó, Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng nỗ lực xây dựng, quảng bá những sản phẩm mới thu hút giới trẻ, tiêu biểu như Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Việc ứng dụng công nghệ 3D, trình chiếu những nội dung theo cách hiện đại mang hiệu quả tích cực khi tiếp cận, thu hút giới trẻ đến với di sản này.