Trải nghiệm 3 loại hình nghệ thuật truyền thống của miền Trung tại Đà Nẵng

Quỳnh Hương |

Tối qua - 26.4, tại trường Đại học FPT Đà Nẵng, chương trình “Thang âm Việt” đã diễn ra thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia.

Đêm nhạc “Thang âm Việt” biểu diễn 3 loại hình nghệ thuật truyền thống gồm: Tuồng, Bài chòi và Chầu văn Huế cùng với sự tham gia của các Nghệ nhân nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nhà nghiên cứu nghệ thuật truyền thống tại địa phương và đông đảo học sinh, sinh viên.

Dự án âm nhạc truyền thống "FES-Camp 4: Thang âm Việt" là sự kiện biểu diễn âm nhạc truyền thống kết hợp cùng khóa học ngắn tại 4 địa điểm trên toàn quốc dành cho học sinh, cán bộ giáo viên, sinh viên, học viên của Tổ chức giáo dục FPT về loại hình âm nhạc đặc trưng tại địa phương đó.

Dự án bao gồm 4 loại hình biểu diễn nghệ thuật đặc trưng của 4 miền: Chèo (Miền Bắc), Tuồng, Bài chòi và Chầu Văn Huế (Miền Trung), Cải lương (Miền Nam), Đờn ca tài tử (Miền Tây).

Chương trình “Thang âm Việt” đã diễn ra tại trường Đại học FPT Đà Nẵng. Ảnh: Quỳnh Hương

Cùng với sự đồng hành của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân ca Bài chòi và hát hố Quảng Ngãi, chương trình đã để lại cho khán giả nhiều trải nghiệm đáng nhớ.

Trong khuôn khổ chương trình, người tham gia được lắng nghe về lịch sử hình thành của loại hình nghệ thuật Bài chòi và được trải nghiệm miễn phí chơi Bài chòi.

Đến với chương trình, người xem còn được tận mắt chứng kiến những màn nghệ thuật hóa trang khuôn mặt của nhân vật trong nghệ thuật Tuồng đầy mãn nhãn và hiểu hơn về bộ môn này.

Tại tiết mục mở đầu chương trình, Nghệ nhân nhân dân Trịnh Công Sơn đã chia sẻ về lịch sử hình thành của những chiếc chòi. Theo Nghệ nhân nhân dân Trịnh Công Sơn, tương truyền từ năm 1571 đến năm 1634, Nhà văn hóa Đào Duy Từ từ Bắc vào Nam khai thiên lập ấp.

Nghệ nhân nhân dân Trịnh Công Sơn chia sẻ về lịch sử hình thành của những chiếc chòi. Ảnh: Quỳnh Hương
Nghệ nhân nhân dân Trịnh Công Sơn chia sẻ về lịch sử hình thành của những chiếc chòi. Ảnh: Quỳnh Hương

Trong quá trình khai quật đất hoang xuất hiện nhiều thú rừng nên ông đã nghiên cứu ra cách làm từng chiếc chòi đối lưng vào nhau để nương tựa, bảo vệ. Từ đó, những chiếc chòi đã được ra đời.

Tại chương trình, các tiết mục như Tuồng, Bài chòi và Chầu văn Huế được đông đảo các sinh viên đón nhận nồng nhiệt. Hoạt động tham gia hát Bài chòi diễn ra sôi nổi của các nghệ nhân đã đem đến cho các bạn sinh viên những trải nghiệm đáng nhớ.

Sau khi xem xong chương trình, Lê Hoàng Bảo Linh - Sinh viên lớp Kinh doanh Quốc tế (Đại học FPT Đà Nẵng) bày tỏ cảm xúc: “Em thấy chương trình được tổ chức hoành tráng, cũng thấy hơi lạ lạ vì cũng là lần đầu tiên mình được xem trực tiếp và được trực tiếp chơi Bài chòi.

Theo mình, những tiết mục mang tinh thần dân tộc như vậy nên được phổ biến rộng rãi hơn trong trường học qua các tiết học, các buổi workshop để nhiều bạn sinh viên như mình được biết thêm nhiều hơn về các loại hình dân tộc này”.

Một tiết mục biểu diễn tại chương trình. Video: Mai Hương
Quỳnh Hương