Buổi đối thoại đã nhận được sự quan tâm và thu hút hơn 150 người tham dự. Phát biểu tại buổi đối thoại, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD chia sẻ: “Trong tiến trình làm việc với trẻ em, chúng tôi vẫn luôn trăn trở khi lắng nghe những câu chuyện của các bạn nhỏ. Đa số cha mẹ nghĩ rằng khi con mắc lỗi cần trừng phạt bằng đánh mắng, bằng roi vọt để con không tái phạm. Nhưng những hành động bạo lực thể chất, tinh thần ấy chỉ làm tổn thương khiến con trẻ nghĩ rằng chúng ta muốn làm đau để trừng phạt.
Chúng tôi mong các gia đình hãy nghĩ lại, tình yêu hay giáo dục không bao giờ đồng hành cùng đòn roi và mắng mỏ, hay nước mắt. Những thông điệp của chiến dịch như: Không đánh, không quát mắng, lắng nghe tích cực, đồng hành tìm giải pháp,… nghe rất hay nhưng thực hiện rất khó. Những bậc cha mẹ, thầy cô – những người mang sứ mệnh nuôi dưỡng thế hệ tiếp sau cần học và thay đổi.”
Điểm nhấn trong phiên đối thoại là thông điệp mạnh mẽ từ trẻ em. 9 em thiếu nhi của Hội đồng trẻ em tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã tự tin chia sẻ thông điệp với nguyên nhân, hậu quả của việc đánh mắng trẻ, đồng thời đưa ra các giải pháp và thông điệp: “Con yêu cha mẹ bằng trái tim, Cha mẹ đừng yêu con bằng đòn roi, mắng mỏ!”. Các em cũng thẳng thắn đưa ra các chất vấn cho các đại biểu tham dự đối thoại về các giải pháp chấm dứt trừng phạt tinh thần đã được thực hiện như thế nào. Các em thể hiện mong muốn tiếng nói của mình được các cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường, bố mẹ lắng nghe, thấu hiểu .
Cũng tại buổi đối thoại, nhóm quản trị quyền trẻ em đưa thêm các khuyến nghị, giải pháp để chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em. Cần thúc đẩy việc thi hành các điều luật hiện hành về cấm trừng phạt thể chất và tinh thần tại không gian trường học, xây dựng các mô hình gia đình, trường học an toàn, yêu thương. Các tổ chức xã hội sẵn sàng đồng hành cùng các cơ quan nhà nước trong tiến trình này vì lợi ích tốt nhất của trẻ.