Trồng cây để đạt độ che phủ rừng cao, giảm tác động do biến đổi khí hậu

TIẾN NHẤT |

Ngày đầu tiên trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tỉnh Quảng Trị phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” với mục tiêu đạt độ che phủ rừng cao, giảm tác động do biến đổi khí hậu.

Ngày 15.2, tại thị trấn Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh), tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024.

Năm 2023, toàn tỉnh Quảng Trị đã triển khai trồng trên 11.500 ha rừng trồng và trên 3 triệu cây phân tán. Đã sản xuất trên 30 triệu cây giống lâm nghiệp các loại, đảm bảo chất lượng để tổ chức tốt trồng rừng tập trung; sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đưa vào tiêu thụ đạt trên 1 triệu m3, nhằm cung cấp nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, độ che phủ rừng tại tỉnh Quảng Trị đạt khoảng 49,9%, góp phần quan trọng trong việc ổn định môi trường sinh thái, cảnh quan, giảm thiểu những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị - nhấn mạnh về sự cần thiết của việc trồng thêm nhiều cây xanh, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng trái phép.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị phát động trồng cây đầu năm với mục tiêu nâng tỉ lệ che phủ rừng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: Tiến Nhất.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị phát động trồng cây đầu năm với mục tiêu nâng tỉ lệ che phủ rừng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: Tiến Nhất

Đây là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài thể hiện hành động của Việt Nam góp phần thực hiện cam kết mục tiêu đưa phát thải ròng về "zero" vào năm 2050 tại COP26 và thông điệp "Cam kết đi đôi với hành động" tại COP27; là hoạt động hưởng ứng "Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái" do Liên Hợp Quốc phát động nhằm ngăn chặn sự suy thoái và phục hồi các hệ sinh thái ở quy mô toàn cầu.

Lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các địa phương, cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và nhân dân tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, gây rừng.

Tổ chức Tết trồng cây phải thiết thực, trở thành nét đẹp văn hóa, đảm bảo tính hiệu quả, tránh phô trương hình thức. Bố trí trồng cây tại các tuyến đường đô thị, khu dân cư tập trung, khu di tích văn hóa, lịch sử; trồng cây trong khuôn viên của cơ quan, khu, cụm công nghiệp, trường học, bệnh viện, quanh nhà, quanh vườn, ven đường, dọc bờ sông, bờ kênh mương, vùng gò đồi với phương châm “Nhà nhà trồng cây, người người trồng cây”; lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt, tranh thủ thời tiết thuận lợi để cây trồng có tỷ lệ sống cao, trồng cây nào chăm sóc và bảo vệ tốt cây đó.

Các địa phương tiếp tục huy động lồng ghép nhiều nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa để triển khai thực hiện tốt Chương trình trồng một tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 tại tỉnh, gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững đến 2030.

Tổ chức thực hiện tốt việc chăm sóc, quản lý và bảo vệ cây trồng; phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô; kết hợp khai thác với trồng lại rừng theo hướng thâm canh nhằm nâng cao hiệu quả rừng trồng; đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa trồng cây xanh đô thị, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu thiệt hại do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tạo cơ sở để phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững.

TIẾN NHẤT