Ngày 31.10, Hội thảo tham vấn về giải pháp nuôi tôm hiệu quả được Cục Thuỷ sản phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau tổ chức.
Cục trưởng Cục Thuỷ sản Trần Đình Luân nhận định: “Vấn đề tăng năng suất và sản lượng phải đi song hành cùng lợi nhuận của người nuôi và doanh nghiệp”.
Theo ông Luân, lợi nhuận của người nuôi tôm đạt thấp do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính chủ yếu chi phí sản xuất cao, dịch bệnh ngày càng nhiều, công tác quản lý dịch bệnh trên tôm nuôi còn nhiều khó khăn. Gà, heo có thể có một chuồng, còn tôm nuôi thì rất nhiều ao nuôi với diện tích lớn, cơ sở hạ tầng nhiều bất cập, nên công tác quản lý dịch bệnh luôn gặp nhiều khó khăn. Trong 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng tôm cả nước đạt 1,1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,8 tỉ USD.
Tại hội thảo, các chuyên gia dự báo những tháng cuối năm, ngành tôm vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua. Sản xuất tôm toàn cầu tăng trở lại cuối năm 2024, đến năm 2025 duy trì ổn định. Tôm sú sẽ tiếp tục được nuôi và phát triển mạnh trở lại (Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ). Cạnh tranh gay gắt giữa các nước sản xuất tôm, khi một số nước tiêu thụ tôm có chiến lược phát triển thủy sản nội địa, tăng yêu cầu về chất lượng.
Từ những khó khăn cũng như dự báo về phát triển ngành tôm, hội thảo bàn giải pháp ứng dụng khoa học, kỹ thuật và tổ chức sản xuất giống và nuôi tôm hiệu quả các tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Trong đó, cần kịp thời khôi phục sản xuất sau thiên tai, tổ chức sản xuất tôm vụ đông. Cơ quan chức năng cần quản lý tốt chất lượng giống, vật tư thủy sản để phục vụ sản xuất. Tăng cường thả nuôi diện tích chưa thả theo kế hoạch, tập trung nuôi thâm canh, công nghệ cao, quản lý tốt các yếu tố môi trường dịch bệnh (nuôi mật độ phù hợp trình độ kỹ thuật, quản lý, thời vụ, hạ tầng, thiết bị hỗ trợ…).
Quản lý và triển khai tốt an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Có sự phối hợp giữa cơ quan thủy sản và thú y, khuyến nông… để triển khai, hướng dẫn làm tốt công tác quan trắc cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm cần được tăng cường để tăng hiệu quả, chất lượng tôm nuôi cần được chú trọng. Ngoài ra, rà soát khung lịch mùa vụ thả giống, điều chỉnh phù hợp với điều kiện địa phương cũng như phương thức sản xuất.
Theo Sở NNPTNT Cà Mau, sản lượng tôm nuôi đạt trên 200 ngàn tấn, đạt 82,30% so kế hoạch, tăng 2,02% so cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 968 triệu USD, bằng 87% so kế hoạch, tăng trên 12% so cùng kỳ.
Thời gian gần đây, giá tôm tăng trở lại, là dấu hiệu khả quan, tạo đà để ngành tôm tiếp tục tăng tốc. Mặc dù, giá tôm có nhiều khởi sắc, nhưng ngành tôm cả nước nói chung, tôm Cà Mau nói riêng còn đứng trước nhiều thách thức. Người nuôi tôm phải đối mặt với những tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi bất thường; dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn xảy ra; môi trường vùng nuôi tôm chưa được kiểm soát tốt; việc ứng dụng khoa học, công nghệ còn hạn chế. Thông qua hội thảo, kỳ vọng sẽ gợi mở những vấn đề quan trọng, góp phần giúp ngành tôm vượt qua khó khăn, phát triển trong những tháng cuối năm 2024.