Một thời những câu hát “Người tình trăm năm”, “Đừng xa em đêm nay”... của Đức Huy, rồi thì “Con đường màu xanh”, “Về đây em”... của Trịnh Nam Sơn gần như xuất hiện ở mọi không gian có thể từ những cửa hàng băng đĩa ngập tràn khắp mọi nơi, những người bán băng đĩa rong, những người cầm cây đàn guitar đi hát rong kiếm sống, những quán cà phê đông người...
Trên thực tế, cả hai nhạc sĩ Đức Huy và Trịnh Nam Sơn còn nhiều ca khúc hay và được nhiều người yêu thích nữa. Chẳng hạn, Đức Huy có “Và tôi cũng yêu em”, “Như đã dấu yêu”, “”Khóc một dòng sông”, “Để quên con tim”, “Đường xa ướt mưa”... Trịnh Nam Sơn có “Nuối tiếc”, “Dĩ vãng”, “Quên đi tình yêu cũ”, “Đợi bước anh về”... Nhạc của Đức Huy và Trịnh Nam Sơn có điểm chung là chịu ảnh hưởng từ nhạc Âu - Mỹ, có giai điệu đẹp, có hướng phát triển giai điệu hấp dẫn, có câu đoạn rõ ràng, có chủ đề nổi trội là tình yêu đôi lứa.
Trong khi ca khúc của nhạc sĩ Đức Huy, người nghe cảm nhận độ trẻ trung lạc quan thì Trịnh Nam Sơn thiên về tự sự nội tâm nhiều hơn. Riêng ở Trịnh Nam Sơn màu sắc trong các ca khúc của ông còn gợi sự gần gũi với nhạc nhẹ ở Hồng Kông (Trung Quốc).
Quay về thời điểm những năm thập niên 80 - 90 thế kỷ trước, đời sống âm nhạc đại chúng chủ yếu bị chiếm lĩnh bởi dòng nhạc tình buồn mà thường được gọi với những cái tên như nhạc vàng, nhạc sến hay gần đây gọi là Bolero.
Bên cạnh những ca sĩ đã trở nên rất quen thuộc gắn liền với dòng nhạc trên thì xuất hiện có thêm hai cái tên Đức Huy và Trịnh Nam Sơn với một màu sắc âm nhạc hoàn toàn khác biệt.
Trong khi nếu nói về sự xuất hiện trong âm nhạc thì cả hai ông đều xuất hiện từ trước đó rất lâu, Đức Huy từ thập niên 1970 còn Trịnh Nam Sơn xuất hiện trong thập niên 1980. Ngay từ thời điểm đầu sự nghiệp, hai nhạc sĩ đã kiên định với con đường âm nhạc của mình cho nên có cảm giác dẫu không phải mở lối nhưng hai ông cũng tựa như những “chiến binh” lan tỏa nhạc tình trẻ trung phong cách Âu - Mỹ đến với đời sống âm nhạc đại chúng.
Với riêng người viết, trong số những ca khúc yêu thích nhất có “Tiếng mưa đêm” của Đức Huy và “Về đây em” của Trịnh Nam Sơn. Mỗi khi vang lên những câu hát ấy người nghe như được sống lại thời thanh xuân trẻ trung của mình. Sống lại thời điểm cùng nhiều anh chị bạn bè chung trường Nhạc viện Hà Nội nghe dường như không biết chán những ca khúc của hai nhạc sĩ.
Ca khúc của hai nhạc sĩ thuộc lứa đi trước có những tác động nhất định đến không ít các nghệ sĩ âm nhạc thuộc thế hệ sau. Bây giờ, khi mà âm nhạc đại chúng đã quá phát triển nở rộ với đa dạng các sắc màu khác nhau thì những ca khúc của cả Đức Huy và Trịnh Nam Sơn vẫn không hề cũ.
Nó vẫn còn nguyên những đam mê, nhựa sống của tình yêu tiếp thêm vào tâm hồn người nghe, vì thế nó vẫn tồn tại vẹn nguyên trong lòng công chúng từ nhiều chục năm qua và vẫn có cả thêm lớp người mới đón nhận.