Cách trung tâm Hà Nội chỉ 1,5km, tồn tại một xóm ngụ cư nghèo khác xa so với sự lộng lẫy, hào nhoáng của nửa kia thành phố. Xóm Phao là nơi sinh sống của hàng chục hộ dân từ "tứ xứ" đổ về. Công việc chủ yếu của họ là nhặt đồng nát, sắt vụn để kiếm rau, qua ngày.
Gọi là "sống chui" không chỉ bởi cuộc sống dưới chân cầu mà còn vì hầu hết những người dân tại đây đều không có giấy tờ tùy thân, không định danh. Họ là những người định cư bất hợp pháp. Đa phần người dân sống trên nhà bè, một cuộc sống lênh đênh, trôi dạt như chính cuộc đời của họ.
Bà Nga (70 tuổi) trước đây sống lay lắt bên chân cầu Chương Dương bằng nghề nhặt rác. Nhưng rồi thời gian trôi, người đàn bà khắc khổ này trôi đến nơi bãi giữa này, lấy chồng và "làm ăn" ở đây. Hơn 30 năm sống tại bãi giữa này, căn nhà bè là tài sản lớn nhất của bà.
Mỗi người một hoàn cảnh, số phận riêng nhưng người dân xóm Phao đều có điểm chung là quá nghèo nên “trôi dạt” về cư ngụ tại khúc sông này hàng chục năm nay để không phải trả chi phí tiền thuê đất ở trên bãi.
Ông Nguyễn Đăng Được, 78 tuổi, người đầu tiên đặt thuyền tại bến Phao cho biết, quê ông ở Quảng Bình, hơn 30 năm trước do bất ổn trong cuộc sống và nghèo, ông đã về ngụ cư ở bãi giữa sông Hồng.
Do cùng cảnh ngộ, theo năm tháng, nhiều người đã được ông Được giúp đỡ, về tá túc ở xóm Phao. Ông Được cho biết: Đến nay, xóm đã có những gia đình 2, 3 thế hệ chung sống. Để có chỗ chui ra chui vào, các hộ dân nơi đây đã tự xây nhà bằng những tấm gỗ ép, tấm bìa carton, tấm bạt lượm nhặt được rồi lợp mái bằng proximang trên những chiếc thùng phuy tại mép sông Hồng. Còn để có cái ăn, cái mặc và cho con đi học..., họ làm các công việc như: bốc vác thuê trong chợ, đi nhặt ve chai, đồng nát, bưng bê tại các nhà hàng, quán ăn hoặc bán ngô, khoai... Với thu nhập từ 100.000 đến 200.000 đồng /ngày... để sống qua ngày, họ không dám nghĩ đến chuyện thuê nhà để ở. Cuộc sống không điện, không nước sạch, không có hộ khẩu, sinh hoạt hàng ngày của hơn 100 con người ở xóm Phao thiếu thốn, khó khăn đủ bề.
Để giúp đỡ phần nào cuộc sống của người dân nơi đây, hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán hay Tết Trung thu, Câu lạc bộ Tâm An - TN lại đến xóm Phao trao tặng những phần quà ý nghĩa đến các cụ già, em nhỏ tại đây.
Năm nay, Câu lạc bộ Tâm An - TN kết nối với Công đoàn Argibank trao tặng 44 suất quà gồm: gạo, nước mắm, dầu ăn, 1 hôp bánh trung thu, trao tặng 5 suất học bổng tiền mặt trị giá 500 nghìn đồng.
“Trung thu năm nay đã đến rất gần rồi, năm học mới cũng cận kề, hy vọng những món quà nhỏ của chúng tôi sẽ phần nào chia sẻ được một chút khó khăn với người dân tại xóm Phao”, chị Thảo An - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tâm An - TN chia sẻ.
Tuy cuộc sống còn thiếu thốn nhưng người dân xóm Phao tự thấy xóm đã “thay da đổi thịt” rất nhiều, nhất là ở khía cạnh đời sống văn hóa, tinh thần. Trước mắt, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân trong xóm hạnh phúc vì được quan tâm như bao công dân khác. Mọi người động viên nhau duy trì các nền nếp sinh hoạt, kiên quyết không để xóm thành nơi hoạt động của tội phạm và tệ nạn xã hội.
Hà Nội đã có quy hoạch phát triển ven sông Hồng nói chung và bãi giữa nói riêng. Người dân xóm Phao ấp ủ hy vọng sẽ có việc từ các dự án đó để được góp phần làm đẹp, làm giàu cho Thủ đô.