Theo ban tổ chức, đây là cuộc thi nhằm khuyến khích giáo viên thực hành, tiếp cận, thiết kế sáng tạo bài giảng trong lĩnh vực giáo dục STEM, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng giảng dạy trong nhà trường; Phát huy tiềm năng giáo dục STEM trong cộng đồng giáo viên, tạo điều kiện để thầy cô giáo có cơ hội giao lưu, chia sẻ kiến thức, đổi mới hình thức tổ chức lớp học, tăng cường tính ứng dụng và thực hành thông qua các bài giảng.
Thành phần tham gia là giáo viên tại tất cả cấp học (từ mầm non đến THPT, GDTX) trên cả nước, các cá nhân quan tâm đến giáo dục STEM.
Sau 3 tháng triển khai, ban tổ chức cuộc thi đã tiếp nhận 108 bài giảng tham gia dự thi. Trải qua 2 vòng thi là sơ loại và bán kết, Ban tổ chức cuộc thi đã chọn ra được 30 bài giảng chất lượng vào vòng chung kết.

30 đội thi đến từ nhiều cơ sở giáo dục, hầu hết tại TPHCM, có duy nhất một đội thi đến từ Trường THPT Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Các đội được chia thành 3 bảng, mỗi bảng 10 đội thi ở bậc Tiểu học, THCS và THPT.
Giáo viên sẽ giới thiệu ngắn gọn về nội dung, phương pháp bài giảng của mình, kèm theo học cụ sử dụng để minh họa, sau đó trả lời các câu hỏi phản biện của Hội đồng Giám khảo. Căn cứ kết quả chấm điểm của hội đồng giám khảo, ban tổ chức sẽ trao giải cho các bài giảng xuất sắc nhất.
STEM là viết tắt của Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Mathematics).
Giáo dục STEM là một cách tiếp cận mới của thế giới trong dạy và học trong đó tích hợp nội dung và kỹ năng khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học được tổ chức thường xuyên từ cấp trường đến cấp quốc gia tại nhiều nước Âu, Mỹ.

Tại Việt Nam, giáo dục STEM là một lĩnh vực khá mới, mặc dù Bộ GDĐT đã có những bước tiến trong việc chuyển sang mô hình giáo dục STEM những năm gần đây như dạy học tích hợp, khuyến khích phương pháp STEM, thành lập câu lạc bộ trong các trường, tuy nhiên, việc triển khai giáo dục STEM trong các trường và đơn vị giáo dục còn nhiều khó khăn.