UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TPHCM năm 2024.
Theo đó, thành phố đặt ra mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Tập trung đẩy mạnh đào tạo nhân lực trình độ cao, theo hướng hiện đại hoá và hội nhập quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cung cấp nguồn nhân lực sau đào tạo có chất lượng cho thành phố và các địa phương khu vực Nam Bộ. Thành phố phấn đấu năm 2024, tỉ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo có chứng chỉ, chứng nhận đạt 87%.
Để đạt được các mục tiêu trên, thành phố cũng đề ra các nội dung giải pháp. Trong đó, về định hướng, phân luồng học sinh bậc trung học, trong quý 2 thành phố sẽ tổ chức các hoạt động định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học cơ sở ngay từ lớp 8 nhằm giúp cho học sinh có thể phân biệt, xác định sở trường, sở thích của bản thân để hướng đến nghề nghiệp trong tương lai; qua đó, học sinh có thể nhận thức sớm về nghề nghiệp của bản thân để lựa chọn phương hướng học tập (tự nhiên, xã hội…) và lựa chọn mô hình học tập khi tốt nghiệp bậc trung học cơ sở.
Về công tác nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, thành phố tập trung phát triển cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học và công tác chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong quý 2 sẽ tổ chức lựa chọn và đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật cho 2 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên để thực hiện thí điểm tổ chức đào tạo nghề kết hợp đào tạo kiến thức văn hoá trung học phổ thông theo mô hình đào tạo nghề ngắn hạn của Đức.
Bên cạnh đó, thành phố cũng phát triển các chương trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố theo hướng mở, liên thông giữa các trình độ (sơ cấp – trung cấp – cao đẳng – đại học). Xây dựng tiêu chuẩn công nhận kết quả đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học, giúp người học có điều kiện rút ngắn thời gian đào tạo.
Đặc biệt, trong năm 2024, thành phố sẽ triển khai lựa chọn, thí điểm tổ chức liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp theo mô hình “đào tạo song hành” với tiêu chí đào tạo 50% thời lượng lý thuyết và thực hành cơ bản tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 50% thời lượng thực hành chuyên sâu tại các doanh nghiệp…