Bừng sáng thung lũng Tà Lọt

Lâm Điền |

Nằm lọt giữa hai dãy núi lớn nhất tỉnh An Giang là Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) và Núi Dài (huyện Tri Tôn), Tà Lọt được biết đến như thung lũng “thâm sơn cùng cốc”. Vì vậy mà dù đã hình thành đơn vị hành chính ấp hẳn hoi, nhưng nơi đây vẫn còn nhiều cái “không”: Không nước sạch, không trạm xá và không luôn cả điện lưới... Người dân Tà Lọt sống trong tù mù như chính ánh sáng từ chiếc đèn dầu chong đêm... Thế rồi như chuyện cổ tích, chốn “thâm sơn cùng cốc” ấy bừng sáng...

Thung lũng “chập chờn” 

“Ấp Tà Lọt thuộc xã An Hảo huyện Tịnh Biên, nhưng để đến trung tâm xã, phải đi theo Hương lộ 17B rồi mượn đường xã Châu Lăng của huyện Tri Tôn... ”- anh Trần Văn Dũng -  Phó Trưởng Ban Nhân dân ấp Tà Lọt -  đã làm tôi cảm nhận trọn vẹn cái hẻo lánh, heo hút của địa bàn có 138 hộ dân sinh sống... ngay lời mở đầu câu chuyện. Theo anh Dũng, ngoài đặc thù của vùng bán sơn địa, Tà Lọt còn như “ốc đảo” trên cạn, bởi 4 bề là núi đá với dốc thẳng đứng...

Đã vậy, phần lớn người dân sống định cư rải rác theo các triền núi để dễ làm nghề trồng rẫy (hoa màu) theo mùa, nên nơi đây vẫn còn nhiều “cái không”, mà chỉ nghe qua đã nhói lòng, như: Không nước sạch, không trạm xá... và nhất là không có cả điện lưới. Vì thế mấy chục năm qua, người dân ở ấp Tà Lọt sống trong tù mù như chính ánh sáng từ chiếc đèn dầu chong đêm. Ông Dũng chia sẻ thêm: “Chiều xuống, mọi nhà thắp sáng bằng đèn dầu. Vậy mà có nhà chỉ có 01 cây đèn”. Ánh sáng leo lét càng trở nên chập chờn mỗi khi có giông gió”.

Gần đây, nhiều hộ thắp đèn bằng bình ắc – quy, ánh sáng có tốt hơn, không còn sợ mưa gió, nhưng thường tắt sớm  để kéo dài thời gian sử dụng... “Vì mỗi lần nạp điện phải đi hơn chục cây số ra chợ Tri Tôn (huyện Tri Tôn) rồi ngồi chờ...”- bà Võ Thị Thúy, người có hơn 30 năm định cư ở Tà Lọt bồi hồi nhớ lại – “Vì vậy, không chỉ hà tiện trong thắp sáng, mà còn hà tiện cả giấc mơ về chuyện sắm ti vi để xem tin tức, giải trí...”.

Vài năm gần đây, nhiều hộ dân đã tìm cách tự hóa giải bằng cách tìm hiểu rồi lắp đặt pin năng lượng mặt trời (Pin NLMT)... Nhưng Tà Lọt vẫn chưa thoát khỏi sự tăm tối mỗi khi đêm về. Theo lý giải của bà Nguyễn Diệu Hiền - Phó Chủ tịch xã An Hảo – nguyên nhân chủ yếu là do thiếu... tiền: “Bà con ở đây chủ yếu sống vào nghề nông như: trồng rẫy, cây ăn trái và chăn nuôi nhỏ... nhưng giá nông sản thường trồi sụt thất thường nên tích lũy không nhiều”.

Vì vậy, đa phần chỉ có thể trang bị theo kiểu “có tiền tới đâu sắm tới đó” nên dù có nhiều  hộ dân mua Pin NLMT, nhưng cũng chỉ đủ tạo năng lượng sử dụng cho đèn thắp sáng đến 9 giờ tối. Thời điểm mưa gió kéo dài, thời gian thắp sáng càng ngắn lại... 

Đường dẫn vào các hộ sống trên triền núi. Ảnh: Lâm Điền
Đường dẫn vào các hộ sống trên triền núi. Ảnh: Lâm Điền

Không chỉ bừng sáng... 

Đưa tay bấm vào bộ điều khiển từ xa hướng về chiếc ti vi màn hình LEB treo bên vách nhà, bà Võ Thị Thúy- nhà cạnh trụ sở văn phòng ấp Tà Lọt - nói một lèo:  “Đây là đài Vĩnh Long, tôi thích vì có chương trình giải trí hay, nhưng khi xem thời sự thì tôi thích đài Việt Nam...”.

Chỉ một loáng, bà Thúy kể vanh vách thông tin về thế mạnh các đài truyền hình. Bà nói một cách hào hứng như kiểu nhà hàng hải Christopher Columbus khám phá ra châu Mỹ với giọng gọn gàng, rành mạch và đầy đủ không khác gì người ở phố thị. Nhưng ít ai biết rằng, cách đây 1 năm bà Thúy chưa biết gì về ti vi và truyền hình. Và con đường để gia đình ở thung lũng “chập chờn” này làm quen với ti vi cũng thật ly kỳ.

Chuyện bắt đầu vào năm 2017, được “Dự án năng lượng xanh An Giang” giới thiệu về chương trình tấm Pin NLMT với chính sách ưu đãi: hỗ trợ giá 35%, số 65% còn lại trả chậm trong 10 tháng. “Khi hỏi kỹ lại, để đầu tư xem được ti vi và thắp thêm bóng đèn cho mấy đứa con học bài, số tiền trả hàng tháng chỉ khoảng 200 ngàn đồng, tôi đồng ý ngay. Vì nếu để tự mua sắm, bỏ ra mấy triệu đồng một lúc, ngán tiền lắm”- bà Thúy chia sẻ thêm- “Đêm đầu tiên đem ti vi về, cả nhà vui như Tết, coi đến khi cạn điện nạp trong bình ắc- quy mới chịu thôi. Khoái nhất là cái điều khiển từ xa. Chỉ cần bấm một cái là có thể chuyển từ đài này sang đài khác”.

Nhưng điều khiến bà Thúy hạnh phúc nhất là có đủ điện để lắp riêng bóng đèn cho con học bài tối. “Hồi trước, cả nhà chỉ có 1 bóng đèn, ánh sáng lại tù mù, mấy đứa nhỏ phải chen vào để học bài. Từ ngày  lắp thêm Pin NLMT, sử dụng đèn LED, ánh sáng tốt hơn nên học hành củ mấy đứa nhỏ cũng thoải mái hơn”- bà Thúy chia sẻ.

Đó không phải là trường hợp cá biệt. Bởi đã bắt gặp nhiều bà Thúy khác trong chuyến đi thực tế về Tà Lọt. “Tính đến tháng 11.2018, ấp Tà Lọt có 100% hộ sử dụng Pin NLMT. Tuy quy mô đầu tư có khác nhau, nhưng gần như nhà nào cũng có đủ năng lượng để sử dụng đèn thắp sáng, quạt gió và nhiều hộ còn có cả ti vi...Theo đó, nhiều thứ cũng thay đổi theo hướng tích cực như hiểu biết về bảo vệ sức khỏe, chính sách pháp luật...”- anh Dũng- Phó trưởng Ban Nhân dân ấp Tà Lọt nhấn mạnh như sự chia sẻ tự hào về vùng quê đã bừng sáng theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Và đây cũng là ấp đầu tiên phủ kín Pin NLMT ở Việt Nam. 

TS Nguyễn Văn Khải (giữa) hướng dẫn kỹ thuật Pin NLMT cho người dân Tà Lọt (An Hảo). Ảnh: Lâm Điền
TS Nguyễn Văn Khải (giữa) hướng dẫn kỹ thuật Pin NLMT cho người dân Tà Lọt (An Hảo). Ảnh: Lâm Điền

Những thấp thỏm...  

Trong nhận thức đơn giản của một công dân, tôi và nhiều người trong đoàn đi thực tế về Tà Lọt vào những ngày cuối tháng 11.2018,  rất hào hứng trước hình ảnh “thung lũng chập chờn” đang khoác lên mình chiếc áo mới bừng sáng sức sống. Tuy nhiên, chúng tôi đã nhanh chóng rơi vào trạng thái lo lắng khi được tiến sĩ Nguyễn Văn Khải- nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn tiết kiệm điện và dung dịch hoạt hoá điện hoá, cùng tháp tùng chung đoàn - chỉ ra “những điều trông thấy”...

Theo con mắt chuyên môn của tiến sĩ Khải, không kể đến những lỗi kỹ thuật như nhiều đèn LED lắp thiếu máng chiếu sáng để tăng ánh sáng, hay chưa bố trí đèn cho các bàn học như mong muốn của nhà thiết kế... đáng lo hơn là nạn thiếu an toàn của dây điện. Vị tiến sĩ già đã bức xúc khi chỉ cho chúng tôi thấy nạn “bùng nhùng” của dây điện giăng mắc như “mạng nhện” tại  các ngôi nhà được thụ hưởng hỗ trợ của Dự án mà chúng tôi có dịp đến. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ ngôi nhà mà còn đe dọa đến an toàn tính mạng nếu không có những giải pháp xử lý tích cực tiếp theo. 

Trong khi đó, nhiều nhà khoa học lại đưa ra khuyến cáo không nên tuyệt đối hóa mà chỉ nên xem Pin NLMT như “giải pháp thay thế” trong bối cảnh chưa có điện lưới. Bởi đây không hoàn toàn là nguồn “năng lượng xanh” theo khái niệm năng lượng tái tạo “sạch” cho môi trường như nhiều người vẫn nghĩ.

Không ai phủ nhận những tác động tích cực của loại năng lượng tái tạo cũng như những tiềm năng và tiện ích của nó, nhưng thực tế cho thấy, Pin NLMT vẫn còn đó những nỗi lo...

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Dự án sau 3 năm hoạt động (2016-2018) vừa được tổ chức tại TP Long Xuyên, ThS Trần Anh Dũng -  Giám đốc BQL Dự án Năng lượng xanh An Giang cho biết – “Chi phí lưu trữ năng lượng (bình ắc – quy) còn ở mức cao so với túi tiền người dân vùng hẻo lánh, tuổi thọ lại không cao”.

Mặt khác, theo nhiều chuyên gia, đàng sau đó còn nhiều vấn đề đáng lo. Đó không chỉ là nguy cơ thiếu ổn định bất khả kháng do phụ thuộc vào thời tiết... mà còn có cả nguy cơ về môi trường. Theo tính toán của các nhà môi trường, quá trình sản xuất Pin NLMT tạo ra khí NF3 (Nitơ Trifluoride) và khi nguồn khí này kết hợp với CO2 sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Ngoài ra, trao đổi bên hành lang hội nghị tổng kết nói trên, TS Hồ Thanh Bình – Trưởng Khoa Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên (ĐH An Giang) bày tỏ thêm lo lắng: “Pin NLMT chứa nhiều kim loại như chì, đồng, nhôm… Dù tuổi thọ của chúng khá cao, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu trong việc xử lý sau sử dụng nên chưa ai dám khẳng định điều này không tác động đến môi trường”.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần phải đặc biệt quan tâm và phải lượng hóa được những tác động môi trường để trên cơ sở đó đưa được những cơ chế chính sách, những giải pháp, bước đi thận trọng và hợp lý với Pin NLMT. 

Kết quả nổi bật của Dự án Năng lượng xanh An Giang tại 3 xã An Hảo, Tân Lợi, Vĩnh Trung (Tịnh Biên – An Giang) trong 3 năm (2016-2018):

- 5.298 người thụ hưởng trực tiếp từ các mô hình năng lượng bền vững.

- 1.133 mô hình năng lượng bền vững cấp cộng đồng.

Lâm Điền
TIN LIÊN QUAN

Dạy con biết kiềm chế

Kim Duy |

​Nóng giận là trạng thái tự nhiên của mỗi con người. Trong cuộc sống nhiều áp lực như hiện nay, người luôn giữ thái độ bình tĩnh hay biết kiềm chế là rất hiếm.

Bảo đảm cung ứng đủ điện cho doanh nghiệp, hộ gia đình

Nam Dương |

"Mặc dù có những dự báo nguồn cung ứng điện cho khi vực phía Nam sẽ thiếu trong năm 2019 do thiếu than, nhưng Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) sẽ cố gắng bảo đảm cung ứng đủ điện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình".

Hỗ trợ người dân 12 tỷ đồng do thiệt hại cá chết trên sông La Ngà

HÀ ANH CHIẾN |

Ngày 29.11, UBND tỉnh Đồng Nai đã ký quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ người dân bị thiệt hại do cá chết trên sông La Ngà vào tháng 5.2018.

Tìm lại nét cổ kính độc đáo của Sài Gòn xưa

M.T |

Sài Gòn xưa mang đậm nét đẹp của một đô thị độc đáo với nhiều quần thể kiến trúc Pháp. Tuy nhiên, gần 50 năm qua, sự giàu có về kiến trúc, văn hóa, lịch sử của Sài Gòn xưa đã sa sút đi nhiều.

Dạy con biết kiềm chế

Kim Duy |

​Nóng giận là trạng thái tự nhiên của mỗi con người. Trong cuộc sống nhiều áp lực như hiện nay, người luôn giữ thái độ bình tĩnh hay biết kiềm chế là rất hiếm.

Bảo đảm cung ứng đủ điện cho doanh nghiệp, hộ gia đình

Nam Dương |

"Mặc dù có những dự báo nguồn cung ứng điện cho khi vực phía Nam sẽ thiếu trong năm 2019 do thiếu than, nhưng Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) sẽ cố gắng bảo đảm cung ứng đủ điện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình".

Hỗ trợ người dân 12 tỷ đồng do thiệt hại cá chết trên sông La Ngà

HÀ ANH CHIẾN |

Ngày 29.11, UBND tỉnh Đồng Nai đã ký quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ người dân bị thiệt hại do cá chết trên sông La Ngà vào tháng 5.2018.

Tìm lại nét cổ kính độc đáo của Sài Gòn xưa

M.T |

Sài Gòn xưa mang đậm nét đẹp của một đô thị độc đáo với nhiều quần thể kiến trúc Pháp. Tuy nhiên, gần 50 năm qua, sự giàu có về kiến trúc, văn hóa, lịch sử của Sài Gòn xưa đã sa sút đi nhiều.