Bình Dương là một trong những tỉnh xảy ra nhiều tai nạn giao thông, mỗi năm có hơn 200 người tử vong và hơn 1.000 người bị thương nặng.
Trong đó, tai nạn chết người xảy ra nhiều vào ban đêm, một trong những nguyên nhân là do trời tối, tài xế không quan sát được. Ở những cung đường không có đèn đường, nguy cơ xảy ra tai nạn càng cao. Đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra trong tình huống phương tiện đi phía sau tông vào người đi phía trước, do trời tối tài xế không nhận biết được.
Các chuyên gia nhận định, việc sử dụng áo phản quang ở Việt Nam còn hạn chế, người dân chưa ý thức về việc này. Trong khi đó ở các nước phương Tây đã sử dụng phố biến vật phản quang cách đây 70 năm.
Với đặc điểm trời tối, áo phản quang giúp các các tài xế xe cơ giới dễ phát hiện các phương tiện nhỏ như xe máy, xe đạp, người đi bộ phía trước để kịp thời né tránh. Nếu người dân có đeo miếng phản quang đi trên đường thì tài xế phía sau có thể phát hiện từ khoảng cách 200m trong khi đó không có miếng phản quang thì chỉ phát hiện được trong khoảng cách khoảng 80m.
Như vậy, tài xế có nhiều thời gian hơn để xử lý, từ đó giảm thiểu rủi ro tai nạn. Người dân có mặc áo phản quang trên người, gắn trên ba lô, túi xách.
Ngày 21.12, tại Bình Dương, trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình “Yên chặng đường đêm”.
Chương trình đã trao tặng 7.000 chiếc áo phản quang cho các bạn thanh niên, công nhân lao động đang sinh sống và làm việc tại Bình Dương với mong muốn người dân đi làm về ban đêm an toàn hơn.