Ngày 5.8, Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Bình cho biết, thời gian qua, cùng với các ngành, đơn vị, địa phương, ngành NNPTNT Quảng Bình đã chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng giá trị sản phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, ngành đã thực hiện nghiêm các phần mềm ứng dụng chung của tỉnh về quản lý nhân sự; quản lý kế toán hành chính; quản lý tài sản; quản lý thanh tra, khiếu nại, tố cáo; quản lý chỉ đạo điều hành của tỉnh; chữ ký số, thư điện tử công vụ và hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh.
Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ văn bản đi được gửi dưới dạng điện tử có sử dụng chữ ký số đạt 98% (trừ các văn bản mật và các văn bản gửi cho các đơn vị không sử chung phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc).
"Trong xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL), hệ thống CSDL chuyên ngành bước đầu thực hiện có hiệu quả. Cụ thể, lĩnh vực trồng trọt: Xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua tem, nhãn quét mã QR,... đối với một số sản phẩm cây ăn quả (cam, bưởi, mít ruột đỏ…); các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh... phần mềm Quản lý và chấm điểm, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh" - ông Tuấn nói.
Ông Tuấn thông tin thêm, về lĩnh vực chăn nuôi-Thú y: Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về cơ sở chăn nuôi, thú y thí điểm Ứng dụng Nhật ký điện tử trong quản lý sản xuất (tại Trung tâm Giống vật nuôi); lĩnh vực thủy sản: Hiện đang ứng dụng các phần mềm chuyên ngành: Phần mềm dữ liệu VNFI SHBASE, Phần mềm giám sát tàu cá, Phần mềm quản lý giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường trong NTTS; hệ thống nhật ký điện tử trên tàu cá khai thác xa bờ; thí điểm Ứng dụng Nhật ký điện tử trong quản lý sản xuất tại Trung tâm Giống Thủy sản…; lĩnh vực lâm nghiệp: Phần mềm theo dõi diễn biến rừng (tích hợp dữ liệu bản đồ quy hoạch 3 loại rừng và bản đồ vùng trọng điểm cháy); CSDL về quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra (SMART) tại các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ vào công tác quản lý bảo vệ rừng và giám sát tài nguyên đa dạng sinh học của Khu dự trữ thiên nhiên; các phần mềm Mapinfo, Global, mapper, Qgis…
Thời gian tới, để “Xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý ngành NNPTNT đảm bảo 4 tiêu chí "Đúng - Đủ - Sạch - Sống", Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình chia sẻ, sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để có quyết tâm chính trị, chủ động thay đổi tư duy nhận thức về tính tất yếu của CĐS, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của giai đoạn tới; tiếp tục tổ chức thực hiện tốt cơ chế, chính sách của Trung ương và tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tại địa phương nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình CĐS trong nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ, đào tạo nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, điều hành cho cán bộ của Ngành và người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp…