Những chiếc lồng chim trị giá hàng trăm triệu từ tre

Nguyễn Đắc Thành |

Xuất phát điểm là học nghề điêu khắc gỗ qua sự đào tạo của những nghệ nhân ở Huế, thế nhưng sau này, ông Đoàn Minh Căn ở xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế lại tìm hướng đi khác cho mình là làm lồng chim từ tre. Qua mấy mươi năm tự tìm tòi học hỏi, giờ đây ông Căn đã trình làng rất nhiều sản phẩm lồng chim đẹp, đặc sắc và có giá trị lên đến hàng trăm triệu mỗi chiếc lồng.

Tre dễ kiếm nguyên liệu và bền hơn gỗ

Sinh ra và lớn lên ở làng Dương Nổ, xã Phú Dương, ông Đoàn Minh Căn (52 tuổi) đã dành hết tất cả niềm đam mê, tâm huyết cho nghệ thuật điêu khắc và một tình yêu đặc biệt dành cho những chiếc lồng chim được tạo ra từ cây tre.

16 tuổi khi học xong cấp ba, ông Căn không theo tiếp con chữ như bao nhiêu bạn bè cùng trang lứa khác. Kiếm một nghề gì đó ổn định để học và theo đuổi là định hướng mà ông đưa ra khi dừng lại việc học chữ. Lớp học điêu khắc của nghệ nhân Lê Đăng Duân tại số 29 đường Ông Ích Khiêm, TP Huế là sự lựa chọn của "cậu tú tài" Đoàn Minh Căn khi đi “tầm sư học đạo”.

Một thời gian theo đuổi học nghề, ngày “ra trường” ông Căn xin vào một xí nghiệp mộc mỹ nghệ ở Huế để làm, nhưng không lâu sau thì xí nghiệp giải thể. Sau đó ông về quê nhà mở xưởng mộc sản xuất hàng dân dụng. “Lúc đầu mới về mở xưởng làm tôi cũng gặp nhiều khó khăn lắm, tưởng bao nhiêu thứ mình học được là về có thể làm được rồi, ai ngờ càng làm mới thấy tay nghề mình càng non, thế là lại đi học tiếp”- ông Căn chia sẻ.

Thời gian đầu ông làm mộc mỹ nghệ với các sản phẩm chủ yếu từ gỗ, sau này khi nhận thấy nguyên liệu gỗ tìm khó và xử lý nhiều công đoạn nên ông quyết đi tìm nguyên liệu khác để thay thế. “Lấy gỗ trên rừng thì khó khăn, với lại gỗ đem về mình phải xử lý rất nhiều công đoạn để chúng bền, thêm vào đó là giá thành gỗ cũng cao. Hôm đi loanh quanh ở các vùng quê, thấy cây tre nhiều nên tôi nảy ra ý định dùng tre để thay thế vật liệu gỗ. Thế là từ đó tôi dần dần thay vật liệu gỗ bằng tre. Đặc tính của tre là rất dễ xử lý, đem nó về chỉ cần ngâm nước thời gian là đảm bảo cứng cáp, bền vững”- ông Căn nói.

Bắt đầu với nguyên liệu là tre, những sản phẩm đầu tiên mà ông tạo ra chỉ là những vật dụng đơn giản chưa mang tính cầu kỳ, tinh xảo nhiều. Khi làm đồ mỹ nghệ từ tre, ông Căn chỉ thử làm những thứ như gạt tàn, bình đựng trà, đĩa trang trí và một số loại tranh chạm khắc khổ nhỏ. Sau này ông mới bắt đầu với các sản phẩm có chi tiết cầu kỳ hơn.

“Với việc chuyển qua một vật liệu khác thì đòi hỏi người làm phải có sự thay đổi để dễ thích nghi. Tre nó khác với gỗ, nếu như gỗ mình có thể đục, tiện, chạm khắc mạnh được nhưng với tre thì phải nhẹ nhàng nếu không thì rất dễ hỏng. Chỉ cần một vết nứt nhẹ trên vật liệu tre là y như rằng sản phẩm đó vứt đi. Làm với vật liệu là tre thì đòi hỏi công phu và sự tỉ mẩn nhiều”- ông Căn cho hay.

Tạo ra việc làm cho hàng trăm người lao động

Sau khi thành công với việc lấy tre làm vật liệu chính thay thế cho gỗ trong việc chạm khắc của mình, ông Căn lại nảy ra ý tưởng làm lồng chim chạm khắc từ cây tre. Cơ duyên đưa ông Căn đến với việc làm lồng chim cũng thật tình cờ. Từ một lần đi ngang qua một ngôi nhà trên đường phố Huế, ông thấy chiếc lồng chim được treo ở vị trí đẹp và con chim rất quý nhưng chỉ tiếc chiếc lồng lại khá đơn giản. Chợt trong đầu ông Căn thoáng lên một suy nghĩ, với con chim quý như vậy nếu ở một chiếc lồng đẹp và sang trọng chắc hẳn giá trị của con chim sẽ tăng lên gấp vạn lần. Từ ý nghĩ đó, ông Căn bắt đầu đổi hướng và chuyển qua ý tưởng làm lồng chim từ thân tre.

“Để tạo ra được một lồng chim như thế, công đoạn đầu tiên là chọn tre, cật tre làm lồng phải vừa già, vừa dẻo. Tôi phải đặt mua tre lấy từ các cánh rừng ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế và cả ở nước bạn Lào. Rồi khâu chạm trổ cũng khá nhiều công phu, đòi hỏi tính kiên trì, nhẫn nại của người thợ. Các tuồng tích dùng để chạm lên lồng chim thường được tôi lấy từ trong sách vở hoặc tự sáng tạo, cũng có thể do yêu cầu của khách như: Tam quốc chí, Thập bát La hán, phong cảnh, chim hoa, Tây du ký, Mai lư…” - ông Căn cho hay.

Chỉ trong một thời gian ngắn miệt mài chế tác, những chiếc lồng chim mà ông Căn tạo ra đã gây được tiếng vang trong những giới nuôi chim trong nước. Còn riêng với giới chơi lồng chim sành điệu ở Huế, thì không người nào là không biết đến cái tên Đoàn Minh Căn. Cho đến bây giờ ông không nhớ rõ đã làm được bao nhiêu lồng chim. Những sản phẩm của ông làm ra đang được giới chơi chim cảnh ở rất nhiều địa phương dùng đến. Ở một số nước châu Á như Trung Quốc, Mã Lai, Hàn Quốc... cũng có bóng dáng của những chiếc lồng chim mang thương hiệu của ông Căn.

Thông thường một chiếc lồng chim do ông Căn làm ra có giá thấp nhất dao động ở mức 5-10 triệu đồng, còn những chiếc cao cũng nằm ở mức 50-70 triệu đồng. Đặc biệt có những chiếc lồng chim do khách hàng đến tận nơi đặt và phải làm trong thời gian dài vì độ công phu. Thường thường những chiếc lồng chim đó đôi khi có giá lên đến cả trăm triệu đồng.

Nghề chế tác lồng chim của ông Căn không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế cho gia đình ông mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho rất nhiều con em trong địa phương có niềm đam mê. Ông đã từng đào tạo nghề cho khoảng 135 học viên và hiện tại có tới 25 thợ đang theo học nghề làm lồng chim của nhà ông. Không những thế nghề chế tác lồng chim của ông còn góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương cũng như du khách gần xa.

Đặc biệt là những sản phẩm lồng chim do nghệ nhân Đoàn Minh Căn chế tác đã góp mặt đều đặn trong các kỳ Festival Huế, Festival Nghề truyền thống Huế, Hội chợ làng nghề Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức đã làm không ít du khách trong nước, cũng như quốc tế khi đến Huế tham quan, chiêm ngưỡng mê mẩn. Từ những cuộc dự thi, triển lãm đó mà ông gặt hái được khá nhiều giải thưởng cao. Những chiếc lồng chim của ông được giới chuyên môn đánh giá là một trong những nghề góp phần làm phong phú đời sống văn hóa xứ Huế.  

Nguyễn Đắc Thành
TIN LIÊN QUAN

Tìm lại “hồn gốm” Biên Hòa ở xứ Đồng Nai

HÀ ANH CHIẾN |

Trong lịch sử phát triển trăm năm của mình, nghề làm gốm ở Biên Hòa được biết đến như một giá trị văn hóa mang tính biểu tượng cao ở xứ Đồng Nai và cũng là nghề đã nuôi sống nhiều thế hệ người dân Biên Hòa sống dọc theo cù lao Tân Vạn, sông Đồng Nai. Tuy vậy, đến nay làng nghề này đang ngày càng mai một, các nghệ nhân làm gốm ngày càng ít đi và danh tiếng của gốm cũng phai nhạt dần. Trước thực trạng đó, những người yêu gốm, các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đang tìm lối ra cho nghề gốm truyền thống Biên Hòa – Đồng Nai.

9X chụp hình kỷ yếu thu nhập hàng chục triệu đồng mùa cao điểm

Anh Nhàn |

Đến hẹn lại lên, trào lưu chụp hình kỷ yếu lại bắt đầu nở rộ. Nhiều thợ chụp ảnh kỷ yếu rất “đắt show”, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Thành công với nghề làm đẹp

LÊ AN NHIÊN |

Nghề làm đẹp (trang điểm, làm tóc, chăm sóc da…) đang được nhiều bạn trẻ theo đuổi với mức thu nhập ổn định, đặc biệt những bạn trẻ có tay nghề cao có mức thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, muốn thành công đòi hỏi người thợ phải có tính sáng tạo, kiên trì và đam mê với nghề.

Tìm lại “hồn gốm” Biên Hòa ở xứ Đồng Nai

HÀ ANH CHIẾN |

Trong lịch sử phát triển trăm năm của mình, nghề làm gốm ở Biên Hòa được biết đến như một giá trị văn hóa mang tính biểu tượng cao ở xứ Đồng Nai và cũng là nghề đã nuôi sống nhiều thế hệ người dân Biên Hòa sống dọc theo cù lao Tân Vạn, sông Đồng Nai. Tuy vậy, đến nay làng nghề này đang ngày càng mai một, các nghệ nhân làm gốm ngày càng ít đi và danh tiếng của gốm cũng phai nhạt dần. Trước thực trạng đó, những người yêu gốm, các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đang tìm lối ra cho nghề gốm truyền thống Biên Hòa – Đồng Nai.

9X chụp hình kỷ yếu thu nhập hàng chục triệu đồng mùa cao điểm

Anh Nhàn |

Đến hẹn lại lên, trào lưu chụp hình kỷ yếu lại bắt đầu nở rộ. Nhiều thợ chụp ảnh kỷ yếu rất “đắt show”, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Thành công với nghề làm đẹp

LÊ AN NHIÊN |

Nghề làm đẹp (trang điểm, làm tóc, chăm sóc da…) đang được nhiều bạn trẻ theo đuổi với mức thu nhập ổn định, đặc biệt những bạn trẻ có tay nghề cao có mức thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, muốn thành công đòi hỏi người thợ phải có tính sáng tạo, kiên trì và đam mê với nghề.