Quy định không rõ ràng dễ nảy sinh tranh chấp

LÊ AN NHIÊN |

Nhiều doanh nghiệp (DN) đưa ra nội quy lao động, nội quy công ty không rõ ràng hoặc mập mờ nên khi xử lý kỷ luật lao động khiến người lao động (NLĐ) không phục, dẫn đến tranh chấp kéo dài.

Không có tiêu chuẩn, đánh giá bằng gì?

“Hợp đồng lao động (HĐLĐ) của tôi chưa đến hạn nhưng công ty đột ngột cho tôi nghỉ việc với lý do không hoàn thành nhiệm vụ. Tôi hỏi không hoàn thành nhiệm vụ như thế nào, phòng nhân sự giải thích ậm ừ, đại khái là ban giám đốc thấy tôi không nhiệt tình, làm việc cho có, thái độ đối với công việc không còn như trước nên yêu cầu phòng nhân sự cho tôi nghỉ. Lý do như vậy là không thể nào chấp nhận được” – Anh Vũ Tú Linh, làm việc tại một công ty chuyên về vật liệu xây dựng (quận Thủ Đức, TPHCM) bức xúc.

Anh Linh trình bày, anh được nhận vào công ty năm 2015, qua 2 tháng thử việc rồi mới được ký HĐLĐ 1 năm, sau HĐLĐ 1 năm, anh được ký HĐLĐ 3 năm. HĐLĐ 3 năm thực hiện mới được 2/3 chặng đường, anh đang nỗ lực phấn đấu để được ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Thế nhưng, mọi sự cố gắng của anh đổ xuống sông xuống biển khi phòng nhân sự thông báo chấm dứt HĐLĐ với anh vì “anh không hoàn thành nhiệm vụ”. Không đồng ý với lý do chấm dứt HĐLĐ, anh yêu cầu cung cấp dẫn chứng, chứng cứ rằng anh không hoàn thành nhiệm vụ thì phòng nhân sự không cung cấp được.

Anh bức xúc: “Nội quy, quy chế của công ty không cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc, vậy công ty lấy cơ sở nào để chấm dứt HĐLĐ với tôi. Đã vậy, công ty chỉ trả cho tôi 1 tháng lương gọi là hỗ trợ tìm việc làm mới mà không có bất kỳ khoản trợ cấp nào khác. Nếu ban giám đốc thấy không hài lòng về mặt nào đó của tôi thì có thể trao đổi thẳng thắn với nhau, tôi sẽ sửa. Còn muốn tôi nghỉ việc thì phải thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ, trả quyền lợi thỏa đáng cho tôi chứ!”

Về sự việc của anh Linh, phía công ty cho rằng, trong quá trình làm việc, anh Linh không hoàn thành các chỉ tiêu về doanh số, bị khách hàng phản ứng về thái độ làm việc không tốt. Cty đã nhiều lần nhắc nhở nhưng anh Linh không cải thiện, khắc phục nên ban giám đốc quyết định chấm dứt HĐLĐ. Tuy nhiên, khi được hỏi “việc xử lý kỷ luật nhân viên Vũ Tú Linh có được lập thành văn bản, có hội đồng xử lý kỷ luật không? Các hành vi của anh Vũ Tú Linh có được quy định tại nội quy của công ty không?” thì phía công ty thừa nhận không có. Cụ thể, việc xử lý kỷ luật không có hội đồng kỷ luật, không có biên bản kỷ luật và nội quy công ty cũng không có.

Anh Vũ Tú Linh chia sẻ: “Như vậy là công ty đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật đối với tôi. Tôi sẽ làm đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng, công ty không chịu thỏa thuận, tôi sẽ kiện ra tòa. Để công ty biết rằng, không phải muốn cho ai nghỉ cũng được, mình làm chủ mình có quyền nhưng phải tuân thủ đúng pháp luật”.

Tùy tiện điều chuyển người lao động trái với HĐLĐ

“Quy định của công ty là người lao động (NLĐ) sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các công việc theo bảng mô tả chi tiết công việc do người sử dụng lao động ban hành (mà có thể được người sử dụng lao động sửa đổi, bổ sung tại từng thời điểm) áp dụng cho bất kỳ một nhân viên nào thuộc bộ phận nào. Cho nên, việc công ty điều chuyển tôi từ bộ phận bán hàng sang bộ phận bảo trì là hoàn toàn phù hợp” – Chị Hoàng Bảo Trân, làm việc tại một một công ty chuyên sản xuất xe đạp (quận Tân Phú, TPHCM), kể lại phần giải thích của công ty khi thông báo đến chị quyết định điều chuyển.

Chị Trân làm việc tại công ty hơn 5 năm, trong quá trình làm việc, chị luôn phấn đấu hoàn thành tốt công việc được giao. Tuy nhiên, mấy tháng trước bộ phận của chị thay đổi người quản lý. Tính của chị hay nói thẳng, bộc trực nên không được lòng sếp mới, nhiều việc chị thấy “chướng tai gai mắt”, chị nói thẳng, thậm chí còn to tiếng với sếp. Hai tháng sau, kể từ khi sếp mới về phòng, chị bị điều chuyển từ vị trí nhân viên kinh doanh sang nhân viên phòng bảo trì. Chị phản ứng thì được phòng nhân sự giải thích là trưởng phòng của chị không nhận chị, trả về phòng nhân sự, nhận thấy phòng bảo trì đang thiếu người, nội quy của công ty cũng cho phép điều chuyển nhân sự từ phòng này sang phòng khác nên phòng nhân sự đề xuất và ban giám đốc đã đồng ý.

“Đồng ý là công ty có quyền điều chuyển nhưng việc điều chuyển đó phải đúng với quy định của pháp luật. Nội quy công ty cho phép ban giám đốc điều chuyển nhân viên nhưng phải thỏa thuận với nhân viên, xem nhân viên có đồng ý với quyết định điều chuyển đó không? Công việc có phù hợp với trình độ, chuyên môn không? Đằng này, tôi có chuyên môn về kinh doanh, bán hàng tức là trình độ cử nhân kinh tế, còn chuyển tôi qua phòng bảo trì, chuyên môn về máy móc, thiết bị, trình độ là kỹ sư cơ khí hoặc điện tử… Một công việc không đúng chuyên môn, làm sao tôi phát huy được khả năng, điều này khiến tôi chán nản. Hay công ty muốn ép tôi tự nghỉ việc” – Chị Trân bức xúc.

Không đồng ý với cách giải thích của công ty và cảm thấy công việc mới không phù hợp, chị Trân đã nhiều lần kiến nghị trả chị về vị trí cũ. Tuy nhiên, phía công ty phớt lờ và cho rằng “mặc dù điều chuyển nhưng chị Trân vẫn giữ được nguyên lương nên công ty không làm gì sai. Nếu chị Trân không đồng ý có thể viết đơn xin nghỉ việc”. Bất mãn với cách hành xử của công ty, chị Trân đã làm đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp, giải quyết.

Quy định của pháp luật về điều chuyển lao động, ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM, cho biết: Điều 31 Bộ Luật Lao động quy định người sử dụng lao động có quyền tạm thời điều chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Thời gian điều chuyển không quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của NLĐ. Mặt khác, căn cứ khoản 2, điều 8 mục 2 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì người sử dụng lao động phải quy định cụ thể trong nội quy lao động các trường hợp điều chuyển do nhu cầu sản xuất, kinh doanh.  

LÊ AN NHIÊN